11:13 05/11/2020

Phát triển thuỷ điện bền vững phải gắn với bảo vệ rừng

Vấn đề phát triển bền vững giữa thuỷ điện và bảo vệ môi trường rừng tiếp tục là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu tại phiên họp sáng 5/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV. 

Bên lề kỳ họp, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với một số đại biểu để làm rõ hơn các nội dung liên quan đến vấn đề này.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp, chiều 4/11/2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại biểu Bùi Văn Cường (Đoàn Đắc Lắc): Không tuyệt đối hoá để giữ rừng hay làm thuỷ điện

Chúng ta đều thấy rằng không có gì chỉ có lợi mà không có hại, kể cả liên quan đến dự án thuỷ điện. Hãy đặt vấn đề nếu chúng ta không có thuỷ điện thì nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế, bảo đảm dân sinh sẽ rất khó. Hay, nếu chúng ta chỉ giữ rừng mà không làm thuỷ điện thì là câu chuyện 2 mặt của 1 vấn đề. Bởi, trong quá trình phát triển, một số thuỷ điện giải được bài toán về năng lượng.

Chúng ta cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng với từng dự án, công trình cụ thể. Quốc hội cũng quyết định những thuỷ điện liên quan đến đất rừng phải được Quốc hội thông qua, để cân nhắc kỹ lưỡng, không vì phát triển kinh tế mà huỷ hoại môi trường. Ngược lại, nếu chỉ giữ rừng mà không có chuyện phát triển kinh tế là cực đoan.

Tôi cho rằng, cách hiện nay mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội đang triển khai là rất đúng, rất trúng và cân nhắc kỹ lưỡng trên từng dự án thuỷ điện. 

Về nội dung phân công, phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa thủy điện cũng là hợp lý. Vấn đề chỉ còn là câu chuyện xả lũ của hồ thuỷ điện, hồ đập thuỷ lợi. Hiện quy trình, quy định đã rõ ràng, nhưng có nơi thực hiện chưa đúng. 

Tới đây, chúng ta cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và thậm chí là xử lý rất nặng những vi phạm đối với chủ hồ, đập nếu không tuân thủ theo quy trình, nếu để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ, gây thiệt hại cho người dân. Cùng với đó, có biện pháp phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi, nói như vậy nhưng tình hình biến đổi khí hậu, với lượng mưa lớn và hoàn lưu thì việc lũ lụt này không tránh khỏi.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Quảng Ngãi): Trách nhiệm tháo dỡ thủy điện nhỏ hết khấu hao thuộc về chủ đầu tư

Liên quan đến các thuỷ điện nhỏ và xử lý môi trường sau khi dự án này hết khấu hao, chúng ta đã có quy trình pháp lý đầy đủ và bài bản để quản lý, cũng như bảo đảm tính hiệu quả. 

Luật Đầu tư có quy định về báo cáo kinh tế, kỹ thuật bên cạnh báo cáo tác động môi trường. Những quy định này là nhân tố cơ bản để giúp cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư đánh giá dự án hiệu quả hay không và tác động tiêu cực có những vấn đề gì.

Quan trọng hơn, các dự án này còn phải thoả mãn các giải pháp và biện pháp để khắc phục, giảm bớt hạn chế tiêu cực để khai thác hết ưu thế, lợi ích từ các dự án thuỷ điện.  

Theo đó, các thuỷ điện nhỏ hết khấu hao, hết vòng đời của dự án thì căn cứ theo Luật Xây dựng, Luật Điện lực, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, thì phải thực hiện báo cáo chất lượng của hồ, đập cũng như hướng sử dụng. Quy định pháp luật cũng yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm tháo dỡ, có phương án báo cáo cấp có thẩm quyền.

Đối với việc quản lý đất, nhất là những lo ngại xung quanh vấn đề xâm dụng đất rừng tự nhiên để thực hiện các dự án thuỷ điện nhỏ, thì trên thực tế, khi các dự án thuỷ điện đã phải đảm bảo những khâu quy trình quan trọng. 

Đầu tiên là bổ sung quy hoạch hay không bổ sung quy hoạch thì xuất phát từ câu chuyện tại địa phương. Các địa phương cần căn cứ theo thông tư, hướng dẫn như Thông tư số 43/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 27/12/2012 để xem xét các dự án đầu tư thuỷ điện; trong đó có tiêu chí sử dụng đất.

Theo đó, không xem xét đối với các dự án chiếm dụng đất vượt quá 10 ha/1 MW điện. Về đất rừng tự nhiên, từ năm 2016, Bộ Công Thương tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện nào nếu sử dụng đến diện tích này. 

Tiếp đó, khi có bổ sung quy hoạch thì Bộ Công Thương đã xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… để bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, cũng như mục tiêu quy hoạch. Đây là chốt chặt, bảo đảm kiểm soát ngay từ khâu đầu tiên trong việc sử dụng đất để thực hiện các dự án thuỷ điện nhỏ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau): Cần đánh giá khách quan, nhiều chiều

Đặt vấn đề thuỷ điện bên cạnh đợt lũ, lụt vừa qua chúng ta phải xem xét câu chuyện mang tính lịch sử. Khi xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình mục tiêu ban đầu là trị thuỷ, sau đó mới đến phát điện. Chính việc sử dụng chủ yếu trong điều tiết lũ nên Hà Nội tránh được nhiều trận lũ lịch sử.

Năm 1971, Trung ương phải phá đê Chương Mỹ xả lũ để cứu Hà Nội thì từ ngày Thuỷ điện Hoà Bình hiện việc điều tiết nước rất tốt, lũ lụt ở Đồng bằng sông Hồng cơ bản được khắc phục.

Đây là mặt tốt của thuỷ điện, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận mặt trái là sự lạm dụng trong việc xây dựng nhà máy, lựa chọn địa điểm và quy trình, quy phạm kỹ thuật. Điểm này các nhà chuyên môn phải nghĩ đến thuỷ lực, thuỷ công, tổ chức dòng chảy, phân nước để tránh thiệt hại cho nhân dân. 

Rất tiếc, hiện vẫn còn một số chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ lạm dụng quy trình này để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ. Thực trạng này rất đáng lên án.  

Vậy nên, việc đánh giá về một dự án thuỷ điện cần khách quan, nhiều chiều, thấy rằng con người là chủ thể vi phạm pháp luật, vì lợi ích nhóm gây ra. Nếu xử lý, cần xử lý động cơ, mục đích khi chọn địa điểm, lợi dụng quy trình thủ tục để thực hiện các dự án thuỷ điện. 

Tôi cho rằng, không nên vì lũ, lụt để đổ hết cho dự án thuỷ điện.

Thu Hằng - Diệp Anh (TTXVN)