12:09 31/12/2012

Phát triển thương hiệu 'Gà đồi Yên Thế'

Tỉnh Bắc Giang đã lên kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm "Gà đồi Yên Thế" qua hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, phấn đấu cung cấp từ 20-25 tấn/ngày trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013...

"Gà đồi Yên Thế" - Bắc Giang được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm vào năm 2011. Đây là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận thương hiệu và bảo hộ độc quyền. Với giống gà chính là gà Ri được chăn nuôi theo đúng quy trình sinh học nên chất lượng "Gà đồi Yên Thế" được người tiêu dùng đánh giá ngon. Phát huy thương hiệu sản phẩm và tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm "Gà đồi Yên Thế" ra thị trường nhằm tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm chăn nuôi đang được tỉnh Bắc Giang tập trung triển khai.

* Niềm vui người chăn nuôi

Đến Yên Thế những ngày này mới thấy sự hứng khởi, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt của không chỉ của những người chăn nuôi mà cả những cán bộ chính quyền nơi đây. Nhiều gia đình đã chủ động vào đàn từ sớm vì đã có kinh nghiệm chăn nuôi và nắm bắt được nhu cầu thị trường sẽ tăng cao vào dịp cuối năm. Chị Nguyễn Thị Hường, xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế phấn khởi chia sẻ: "Gia đình tôi nuôi thả gà đồi đã nhiều năm nay nhưng chưa khi nào thấy "ham mê" như thời gian gần đây vì gà tiêu thụ dễ và bán được giá. Nhà tôi vừa bán 3.000 con gà lãi gần 200 triệu đồng và hiện đã vào đàn với tổng số hơn 6.000 con gà đồi gối nhau. Nếu đầu ra ổn định như bây giờ thì còn lãi nhiều nữa". Theo chị Nguyễn Thị Hường, mặc dù các hộ gia đình đã có kinh nghiệm chăn nuôi nhưng vẫn được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hướng dẫn về quy trình chăn nuôi gà an toàn. Đã thấm thía hậu quả của việc "ăn xổi" trong những năm qua nên dù giá gà đang tăng cao, những người chăn nuôi vẫn tuân thủ nghiêm túc các quy định về giống, thức ăn... để đảm bảo giá trị của thương hiệu "Gà đồi Yên Thế".

"Gà đồi Yên Thế" là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận thương hiệu và bảo hộ độc quyền.



Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Yên Thế cho biết, thời điểm tháng 10/2012, tổng đàn của huyện có khoảng hơn 4 triệu con gà nhưng đến nay đã phát triển lên 6 triệu con. Trên địa bàn huyện có khoảng 40 gia đình, cơ sở chuyên tổ chức ấp nở và cung cấp giống nhưng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Vì vậy, huyện có chủ trương tiếp tục hỗ trợ chọn lọc giống, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất con giống với quy mô lớn, chất lượng đảm bảo.

Trước đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, UBND TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch và ký thỏa thuận về việc Bắc Giang cung ứng gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội. "Đã hình thành một cơ chế hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp, nếu thực hiện tốt sẽ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao đời sống của người chăn nuôi, đồng thời quản lý được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm", Phó Thủ tướng khẳng định.

Tại lễ ký kết, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho biết: Thị trường Hà Nội có sức tiêu thụ khoảng 120 tấn gia cầm mỗi ngày nhưng các cơ sở và hộ chăn nuôi ở Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn lại vẫn phải lấy từ các địa phương khác. Chợ Hà Vĩ là nơi tiêu thụ gia cầm lớn nhất miền Bắc với khoảng 80 tấn/ngày nhưng gần đây, cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn gia cầm nhậu lậu không rõ nguồn gốc nên giảm xuống còn khoảng 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, "Gà đồi Yên Thế" tiêu thụ tại đây chỉ có khoảng 4-6 tấn/ngày do nhiều người Hà Nội chưa biết đến sản phẩm này của Bắc Giang và trong dịp Tết, dự kiến Hà Nội sẽ cần khoảng 5 triệu gà đồi.

* Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm "Gà đồi Yên Thế"

Xác định đây là cơ hội tốt để giao thương lâu dài, ổn định, dần thoát khỏi hướng sản xuất manh mún, tự phát, tỉnh Bắc Giang đã lên kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm "Gà đồi Yên Thế" qua hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, phấn đấu cung cấp từ 20-25 tấn/ngày trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Tết này, sản phẩm "Gà đồi Yên Thế" sẽ có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội.



Hiện nay, số lượng gia cầm tỉnh Bắc Giang có khoảng 37,4 triệu con/năm, trong đó đàn gà đạt khoảng 32,2 triệu con/năm (chiếm 86% tổng đàn gia cầm). Sản lượng gà thương phẩm đạt hơn 38 nghìn tấn/năm. Phần lớn, các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm, thực hiện thường xuyên việc tiêm phòng, kiểm dịch cho đàn gà và tuân thủ quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng huyện Yên Thế, số lượng gà đạt 13-15 triệu con/năm, sản lượng khoảng 17 nghìn tấn/năm. Huyện Yên Thế có khoảng 2.000 hộ nuôi từ 500 con/lứa trở lên, hơn 1.200 hộ nuôi từ 1.000-5000 con/lứa và nhiều lứa/năm. Hội chăn nuôi và tiêu thụ "Gà đồi Yên Thế" đã được thành lập với hàng nghìn hội viên tham gia, hơn 500 tổ liên gia được hình thành. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có khoảng 120 doanh nghiệp, thương nhân và hộ gia đình hoạt động thu mua và tiêu thụ gà.

Hình thức tiêu thụ chủ yếu là gà sống qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các nhà hàng. Có một doanh nghiệp giết mổ gia cầm tập trung tại huyện Yên Thế với công suất 2.800 con/ngày và một số doanh nghiệp khác đang đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Thời điểm hiện tại, lượng gà tiêu thụ trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 120 tấn/ngày, trong đó riêng huyện Yên Thế tiêu thụ hơn 60 tấn/ngày, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải đã yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, thống kê các cơ sở chăn nuôi tập trung, ổn định và thường xuyên có sản phẩm cung cấp; tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm dịch, thực hiện gắn tem nhãn mang thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" cho đàn gà trước khi xuất bán (kể cả gà đã giết mổ và gà lông) nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng đàn gà đến từng hộ chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký.

Cùng với việc tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan của Hà Nội để nắm bắt danh sách, nhu cầu tiêu thụ, yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm, các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về nhu cầu, nguồn hàng và hoạt động giao thương nhằm tiến tới ký kết hợp đồng cung ứng "Gà đồi Yên Thế" với các doanh nghiệp, chuỗi tiêu thụ lớn trong lĩnh vực giết mổ và tiêu thụ gia cầm tại Hà Nội như: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO), Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhất Nam, Big C Thăng Long... Tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo hỗ trợ hội chăn chuôi, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, tiếp tục tìm kiếm và kết nối các thương nhân tiêu thụ gà ở các chợ đầu mối; chuẩn hoá, thống nhất mẫu mã, các hình thức sử dụng tem nhãn cho thương hiệu "Gà đồi Yên Thế", đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá về cách nhận biết, các điểm cung ứng sản phẩm "Gà đồi Yên Thế" trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh gà nhập lậu không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật.

Sở Công thương Bắc Giang lập đường dây nóng, cung cấp thông tin, theo dõi tổng hợp tình hình tiêu thụ "Gà đồi Yên Thế" và báo cáo UBND tỉnh hàng tuần, đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án "Sản xuất và cung ứng gà an toàn cho thành phố Hà Nội và các thị trường khác" trình Chủ tịch UBND tỉnh trong Quý I/2013. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu, thống nhất về quy trình, thủ tục, mẫu mã, các hình thức sử dụng tem nhãn, chứng nhận nhãn hiệu "Gà đồi Yên Thế" phù hợp (cho phương tiện vận chuyển, lồng nhốt, sản phẩm...) để kịp thời in ấn, thực hiện từ đầu tháng 1/2013; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp Chứng nhận nhãn hiệu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ được sử dụng nhãn hiệu "Gà đồi Yên Thế"...

PV