02:11 17/02/2015

Phát triển Tây Bắc nhanh và bền vững

Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn đồng chí Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc về kinh nghiệm để vùng đạt được những kết quả khả quan trong năm qua và hướng đi cụ thể để Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Đầu xuân 2015, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn đồng chí Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc về kinh nghiệm để vùng đạt được những kết quả khả quan trong năm qua và hướng đi cụ thể để Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Năm 2014 được đánh giá là năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển vùng Tây Bắc, đồng chí cho biết những kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Tây Bắc để có được thành công đó?

Vùng Tây Bắc là địa bàn hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, bao gồm các tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, và các huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Trong năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Bắc không ngừng nỗ lực phấn đấu, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, công tác xây dựng hệ thống chính trị.

Đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc.


Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về cơ chế, chính sách, cùng các giải pháp cần chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả, nhờ đó nhiều đề án, cơ chế chính sách được triển khai, đã tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi, tăng thêm nguồn lực cho các địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia. Đặc biệt, trong năm qua Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức thành công các hội nghị biểu dương bí thư chi bộ, gương chiến sĩ biên phòng, giáo viên tiêu biểu… Đây là những con người không quản khó khăn, vất vả để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đồng chí năm 2014 phát triển vùng Tây Bắc còn có những tồn tại và hạn chế gì?

Những thành tựu đạt được là rất quan trọng, song sự phát triển của vùng Tây Bắc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có. Vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, yếu kém, kinh tế phát triển chậm, đến nay vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước, chưa có khả năng tự cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chưa có bước chuyển dịch mang tính đột phá quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của toàn vùng. 

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh còn nhiều hạn chế; quy hoạch phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển của toàn vùng, tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng còn yếu. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn. Các chương trình, dự án giảm nghèo triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thiếu vốn đầu tư, chính sách còn chồng chéo, bất cập. Du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa và du lịch cộng đồng mặc dù có tiềm năng lớn nhưng chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả. 

Đồng thời, các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và sự khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí thấp… để đẩy mạnh chiến lược diễn biến hòa bình, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng chí cho biết, dựa trên những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn và hạn chế, năm 2015 Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã đề ra chủ trương thực hiện như thế nào để đột phá phát triển vùng Tây Bắc?

Trước tình hình mới, để khắc phục những khó khăn và hạn chế, xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững, cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận và thống nhất về nhận thức từ cán bộ, ngành Trung ương đến các địa phương. Trên cơ sở đó, từng địa phương xây dựng chương trình hành động sát với điều kiện thực tiễn, có tiêu chí phấn đấu và lộ trình thực hiện cụ thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa vùng Tây Bắc với các vùng miền khác trong cả nước.

Thứ hai, nghiên cứu các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của vùng. Từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, xóa bỏ hủ tục canh tác lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng địa bàn; xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị, thực hiện liên kết giữa các khâu (sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm), giữa hộ nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học, tạo ra những sản phẩm tốt có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh trồng rừng mới, bao gồm cả rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Giải quyết cơ bản đất ở, đất sản xuất ổn định lâu dài, chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy, hoàn thành việc giao đất, giao rừng gắn với định canh, định cư, bảo đảm cho người trồng rừng có cuộc sống ổn định và có thể làm giàu bằng nghề rừng.

Tập trung khai thác, phát triển các lĩnh vực thuộc thế mạnh của vùng như công nghiệp chế biến các sản phẩm lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, thủy điện, du lịch… Phát huy hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển kinh tế du lịch, xây dựng các điểm, khu, tour du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái. Đẩy mạnh công tác xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Lạng Sơn và một số tuyến đường kết nối các tỉnh với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương vùng Tây Bắc với thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng.

Thứ ba, xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Đặc biệt, coi trọng công tác đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế là người địa phương để gắn bó lâu dài ở nơi sở tại. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách xóa đói giảm nghèo. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc hiện nay.

Thứ tư, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là hoạt động buôn bán ma túy, buôn người. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, chống lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, chặn đứng các hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình và tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”, tuyên truyền đạo trái pháp luật và di cư tự do.

Thứ năm, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố các tổ chức đảng ở cơ sở, xóa tình trạng thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có đủ phẩm chất và năng lực, tận tụy với nhân dân. Đồng thời, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch và các hành động tiêu cực khác, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, tăng cường mối đoàn kết giữa các dân tộc trong vùng.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!



Việt Hoàng (Thực hiện)