04:07 19/04/2019

Phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng

Sách cần thiết cho mọi người bởi sách giúp chúng ta thu nhận tri thức của nhân loại, bổ sung những khiếm khuyết của bản thân và giúp ích cho cuộc sống. Tất nhiên, trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhiều người chưa có thói quen đọc sách, nhất là giới trẻ, hình ảnh họ cùng thảo luận về cuốn sách lại càng hiếm thấy. Vậy sách có quan trọng với giới trẻ và họ đang đọc sách như thế nào?

Bài 1: Đọc sách góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội

Trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách luôn luôn là phương tiện, công cụ để lưu giữ, truyền thụ và tạo cảm hứng sáng tạo. Việc đọc sách có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức thế giới, khả năng tư duy, xây dựng nhân cách mỗi con người và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Chú thích ảnh
Sách cần thiết cho mọi người bởi sách giúp chúng ta thu nhận tri thức của nhân loại, bổ sung những khiếm khuyết của bản thân và giúp ích cho cuộc sống. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Cần tạo dựng thói quen đọc sách

Sách là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sách là cây cầu tri thức đưa mỗi độc giả đến với kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại.

Trong cuốn “Tôi tự học”, tác giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần đã viết “… phải làm cách nào để thâu ngắn lại con đường kinh nghiệm của nhân loại? Chỉ có đọc sách, ngoài ra ít có phương pháp nào hơn nữa.

Đọc sách là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất để đào tạo cho mình một cơ sở học vấn vững vàng. Thật vậy, dầu là bậc thông minh đến đâu cũng nhờ đọc sách mà kiến thức ngày một thêm rộng. Đọc sách có lợi cho đường học vấn và tư tưởng mình thế nào, cái đó khỏi cần minh chứng, không còn một ai là không nhận thấy.”

“Có thể khẳng định sách thể hiện vai trò quan trọng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò của sách đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, nhất thiết phải có sách hay và có cách đưa sách đến với mọi người hay tạo dựng được thói quen đọc sách”- một đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết.

Theo công cụ đo lường của Google, trong tiến trình lịch sử nhân loại cho đến nay, có khoảng 135 triệu tựa sách đã được xuất bản và người đọc nhiều nhất đã đọc khoảng 6.000 tựa trong suốt cuộc đời mình.

Tại Việt Nam, các số liệu bình quân số đầu sách được đọc của người Việt do các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dao động từ 0,8 đến 4 cuốn sách/năm gồm cả sách giáo khoa và giáo trình.

Tuy chưa có con số nào thống kê được chính xác lượng sách mỗi người trẻ đã, đang đọc nhưng cũng có thể thấy vài điều khi đồng hành cùng chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" ở  50 trường học tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương, Đông Hưng của tỉnh Thái Bình.

Qua phỏng vấn ngẫu nhiên và lấy thông tin từ sổ mượn của thư viện, chương trình đưa ra các con số cho thấy vùng thuần nông trung bình mỗi học sinh chỉ đọc khoảng 1 đầu sách/năm.

Các trường học ở khu vực thị trấn có số đầu sách được mượn cao hơn, bình quân 5 đầu sách/1 học sinh/1 năm. Thái Bình là tỉnh đồng bằng, có dân trí thuộc nhóm cao nhất cả nước và kết quả thi đại học thường nằm trong top 10 của cả nước, nhưng tỷ lệ đọc sách cũng rất thấp.

Đọc sách trong thời đại số

Chú thích ảnh
Trong giới trẻ, hình thức “đọc sách mạng” thay vì đọc sách kiểu truyền thống đang ngày càng phổ biến.  Ảnh minh họa: Getty Images

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 với những tiện ích thông minh, hiện đại, phần mềm ứng dụng phong phú đã làm thay đổi diện mạo, dần “số hóa” những cuốn sách truyền thống. Trong giới trẻ, hình thức “đọc sách mạng” thay vì đọc sách kiểu truyền thống đang ngày càng phổ biến.

Nhiều người cho rằng, cách mạng 4.0 cũng đồng thời tạo ra cuộc cách mạng trong văn hóa đọc. Bởi người đọc chỉ cần có thiết bị thông minh kết nối internet là có thể đọc bất cứ cuốn sách mà không cần tới hiệu sách, thư viện để tìm kiếm.

Theo báo cáo của Dự án Waka - Công ty Cổ phần Bạch Minh từ năm 2014 đến năm 2017 số lượng sách văn học và sách thiếu nhi điện tử tăng đều theo hàng năm, chiếm tỷ lệ áp đảo so với các loại sách khác. Sách có bản quyền tăng từ 3.000 đầu sách (2014) lên 10.000 đầu sách (năm 2017). Đặc biệt, trong dòng sách văn học, giới trẻ rất yêu thích đọc sách phi hư cấu, truyện thiếu nhi manga, comic có tới 4,3 triệu người đọc.

Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Chí Đạt cho rằng: Việc sử dụng sách điện tử cùng công cụ hỗ trợ phù hợp để đọc sách mọi lúc, mọi nơi với tâm lý thoải mái chắc chắn là sự lựa chọn hàng đầu của thế hệ trẻ...

Trong tương lai gần, nội dung đa phương tiện sẽ rất phát triển và sách điện tử không còn là những dòng chữ đơn điệu trên màn hình mà sẽ có các thành phần đa phương tiện kết hợp công nghệ thực tế ảo và thực tại tăng cường.

Điều này có nghĩa là khi đọc một cuốn sách dạy nấu ăn trên thiết bị đọc, người đọc có thể được xem clip hướng dẫn hoặc mô phỏng, kết hợp các thiết bị kính 3D thực tế ảo. Người đọc sẽ có được những trải nghiệm như trong bếp thật, thậm chí sẽ cảm nhận được cả mùi hương đặc trưng của từng món ăn.

Ông Trần Chí Đạt cũng cho rằng đối với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ sẽ thay đổi cả việc đọc và thưởng thức tác phẩm. Đó là sự tương tác qua lại giữa người đọc và sách dưới hình thức điện tử. Việc đọc sách sẽ đem đến nhiều trải nghiệm mới thông qua các thành phần đa phương tiện.

Đồng thời,  người đọc dễ dàng đối chiếu nội dung với những phần mở rộng ngoài nội dung chính của sách được tích hợp ngay trong cuốn sách điện tử. Hơn thế nữa, sự tương tác, trao đổi thông tin, ý kiến nhận xét, đánh giá về một tác phẩm giữa bạn đọc, tác giả, nhà xuất bản có thể được thực hiện ngay trên chính giao diện đọc sách của thiết bị mà không phải thông qua email hay điện thoại hoặc bất kỳ hình thức nào khác…

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, việc đọc sách trong thời đại truyền thông số cũng có một số hạn chế. Đó là lượng kiến thức thu nạp được trong quá trình đọc sách không nhiều vì người đọc, nhất là người đọc trẻ hay bị phân tâm bởi hình ảnh, âm thanh khác xuất hiện trên thiết bị sử dụng để đọc sách.

Độc giả phải đối mặt với nguy cơ nhanh mỏi mắt vì phải nhìn màn hình các thiết bị điện tử trong một thời gian dài; độc giả không hiểu được giá trị và nhạt dần đi sự nâng niu, trân trọng nội dung cuốn sách...

Mỹ Bình (TTXVN)