08:16 15/08/2022

Phát triển nhà ở xã hội: Cần sự nhập cuộc của các địa phương 

Từ nay đến năm 2025, cả nước đặt mục tiêu hoàn thành 156 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng với quy mô 156.700 căn hộ và có 245 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Đồng thời, tiếp tục khởi công thêm các dự án mới với đích đến của năm 2030 là hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp. Để đạt mục tiêu này cần sự chung tay góp sức không nhỏ từ các địa phương.

Chú thích ảnh
Một góc tổ hợp tòa nhà thuộc dự án nhà ở xã hội Hacom GalaCity tọa lạc tại trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN

Trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua, vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ, nhiều địa phương thậm chí chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Ngoài việc chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương thì nhiều nơi còn chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong dự án khu đô thị, nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định.

Không riêng các địa phương, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp cũng chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.

Liên quan đến vai trò của địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị, các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại những vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Riêng đối với các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương… cần căn cứ quy định pháp luật về nhà ở và Nghị định số 35/2022/NQ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Theo đó, khi lập Danh mục các khu công nghiệp phải dành tối thiểu 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; để dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, các chính sách phải đồng bộ, toàn diện. "Hiện đang có sự mất cân đối ở khu vực dành cho đối tượng xã hội. Vấn đề này cần phải rà soát, đánh giá lại, từ đó có quy hoạch quỹ đất. Có những yếu tố không đoán định được như khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển, quy hoạch của địa phương tính toán dựa trên số liệu dự báo chưa đạt được. Điều này làm tăng khó khăn và dự báo này cần phải gắn với trách nhiệm của các nhà đầu tư" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ.

Như vậy, Nhà nước, chính quyền địa phương cần tính toán cân đối để các quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải gắn với việc đã dự báo và chịu trách nhiệm với nhu cầu về nhà ở, nhu cầu xã hội thiết yếu gắn với phát triển hạ tầng.

Không nhất thiết cứ mỗi khu công nghiệp kèm theo đó là quy hoạch khuôn gồm khu nhà ở, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại… mà phải tính toán trong quy hoạch chung của địa phương. Nhà nước đứng ra lo nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội nhưng các doanh nghiệp đầu tư bất động sản cũng phải có trách nhiệm.

Liên quan đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội - một trong những nội dung được quan tâm hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét, cần rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất nhà ở trong khu thương mại, đô thị cho các địa phương để có điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để điều chỉnh lại tỷ lệ nhà ở xã hội trong các khu đô thị, khu thương mại. Trước mắt, cần rà soát ngay những dự án nào buộc phải thực hiện quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm, cần có giải pháp quyết liệt để thu hồi, tạo quỹ đất, chuyển cho các nhà đầu tư khác thực hiện.

Về quy hoạch định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhiều địa phương đã quy hoạch để bố trí xây dựng nhà ở xã hội, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật rất bài bản. Tuy nhiên, cũng có một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đơn cử như việc một số chủ đầu tư khi thực hiện dự án nhà ở thương mại, khu công nghiệp mới có dành quỹ đất đã được đầu tư hạ tầng để xây dựng nhà ở xã hội nhưng chậm thực hiện. Một số vị trí bố trí xa với điều kiện sinh sống của công nhân lao động, thiếu cơ sở hạ tầng... - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc dẫn chứng.

Dưới góc độ địa phương, đại diện tỉnh Bình Dương cho rằng, để giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới việc phát triển khu, cụm công nghiệp, tỉnh kiến nghị quy định những điều kiện và nội dung cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp. Ví dụ như quy định phải dành tối thiểu bao nhiêu phần trăm diện tích đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp phải đảm bảo đồng bộ với việc quy hoạch, phát triển nhà ở và các điều kiện về hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân; đồng thời, rà soát, xem xét lại các quy định pháp luật khi thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội; rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án; xây dựng các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; khuyến khích chủ kinh doanh nhà trọ từng bước cải tạo nhà trọ theo tiêu chuẩn quy định, nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho công nhân, người lao động...

Địa phương này cũng đề xuất mở rộng chính sách hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân để đầu tư mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho thuê trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Là đô thị trung tâm với nhu cầu về nhà ở xã hội rất cao, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Văn Tuấn nêu vấn đề, trên thực tế, nơi có diện tích rộng như Hà Nội khi bố trí các khu vực nhà ở xã hội tại các huyện ngoại thành như Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức thì sẽ không phù hợp khi bố trí nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 2 ha đất trở lên nhưng có diện tích đất ở nhỏ, một số dự án không phù hợp bố trí nhà ở xã hội cao tầng.

Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì những trường hợp mà không bố trí phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chứ không phải không bố trí là chưa hẳn không phù hợp với Luật và trong trường hợp đặc biệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ - ông Tuấn dẫn chứng.

Đây sẽ là vướng mắc cho địa phương, bởi vậy, thành phố kiến nghị Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại nhưng khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn.

Việc phát triển nhà ở công nhân cũng đồng thời giao quyền cho thành phố Hà Nội và các thành phố khác điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê như nhà lưu trú, nhà tạm trú theo quy định của Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu quy định chuyển tiếp về nghĩa vụ và quỹ đất hỗ trợ với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã có quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết được duyệt theo các Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để bảo đảm không gián đoạn quá trình triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án; làm rõ một số cơ chế ưu đãi... - ông Tuấn kiến nghị.

Chính phủ đã yêu cầu, phát triển nhà ở xã hội gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; trong đó, mục tiêu là tạo ra quỹ nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Bởi vậy, ngoài việc đồng bộ về chính sách, cơ chế hỗ trợ, vẫn cần sự nhập cuộc tích cực của các địa phương và cả doanh nghiệp.

Thu Hằng (TTXVN)