11:18 04/11/2015

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định trong phát triển bền vững Tây Nguyên.

Yêu cầu cấp bách

Theo ông Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 30 năm đổi mới, chất lượng nguồn nhân lực Tây Nguyên từng bước được nâng lên. Số người có chuyên môn, kỹ thuật tăng nhanh từ 60,8 ngàn người năm 1979 lên 373,9 ngàn người năm 2012. Tuy nhiên, xét theo cơ cấu lực lượng lao động thì tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật tăng rất chậm trong suốt hơn 30 năm qua. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tây Nguyên thấp hơn so với mức bình quân cả nước và các vùng phát triển. Năm 2012, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm đến 87,9% tổng lao động việc làm (trong khi đó, tỷ lệ này của cả nước là 83,4% và vùng đồng bằng sông Hồng là 78,6%, vùng Trung du miền núi phía Bắc là 85,1%); tỷ lệ lao động làm nghề giản đơn ở Tây Nguyên là 53,3%, trong khi đó của cả nước là 40,4%, vùng đồng bằng sông Hồng là 43,1% và vùng Đông Nam Bộ là 2,0%.

Một tiết học lý thuyết tại Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc - Miền núi Quảng Nam. Ảnh; Anh Tuấn – TTXVN

Hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực Tây Nguyên thể hiện qua năng suất lao động còn thấp, chỉ bằng 67 - 70% mức trung bình của cả nước. Trong ba khu vực kinh tế của Tây Nguyên (công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp, dịch vụ - thương mại), chỉ có khu vực nông - lâm nghiệp có năng suất lao động cao nhất và cao hơn mức năng suất lao động chung của cả nước.

Vì vậy, việc đảm bảo năng suất lao động là yêu cầu cơ bản và cấp bách cho phát triển bền vững Tây Nguyên, vì không thể tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng bằng cách khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng. Và để thực hiện mục tiêu năng suất lao động, một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu có ý nghĩa quyết định nhất là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Định hướng lâu dài

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cần nâng cao nhận thức về vai trò nguồn nhân lực đối với sự phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới. Phát triển nguồn nhân lực Tây Nguyên trước hết và quan trọng nhất phải gắn với nhu cầu về nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng và đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia, phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán và lối sống của dân cư. Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của toàn vùng và từng tỉnh trong vùng trong bối cảnh phát triển nền kinh tế mở, thực hiện hợp tác với các địa phương trong cả nước và hội nhập quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực cho phát triển bền vững vùng Tây Nguyên phải có tầm nhìn dài hạn. Đây là nhiệm vụ vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa có tính thường xuyên, liên tục và linh hoạt nhằm đáp ứng những nhu cầu không ngừng thay đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực theo cấp bậc và ngành nghề đào tạo của các ngành, các lĩnh vực trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Phát triển nguồn nhân lực Tây Nguyên phải có trọng tâm, đột phá trong từng giai đoạn với việc xác định rõ ràng, cụ thể các nhóm nguồn nhân lực trọng điểm cần ưu tiên phát triển. Phải thực hiện song song hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, đi đôi với tạo việc làm và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trên phạm vi toàn vùng, từng địa phương (tỉnh, huyện), cơ sở (doanh nghiệp, tổ chức). Kết hợp hài hòa giữa phát triển nguồn nhân lực tại chỗ và có chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các vùng khác trong cả nước. Tập trung đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng cho người lao động để hình thành nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, các lĩnh vực mà vùng có lợi thế cạnh tranh để tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đảm bảo tăng trưởng xanh, bền vững.

Ông Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS) là bộ phận quan trọng trong chính sách đối với đồng bào các DTTS, chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng và Nhà nước. Coi trọng và có giải pháp ưu tiên bằng sự hỗ trợ của Nhà nước với hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện nguồn nhân lực các DTTS, trong đó đặc biệt quan tâm đến các DTTS nguồn gốc tại Tây Nguyên. Phát triển nguồn nhân lực Tây Nguyên là trách nhiệm chung của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo để thu hút đầu tư, mở rộng đào tạo nghề cho người lao động. Chuyển đổi tổ chức đào tạo nghề cho lao động từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động và yêu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động. Hỗ trợ, khuyến khích tối đa các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong vùng tham gia dạy nghề tại chỗ cho người lao động theo hình thức “vừa học vừa làm” gắn với các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển xã hội, dự án đầu tư trên địa bàn và nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng nhân lực.

Tăng cường và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế để đào tạo và thu hút nhân lực trình độ cao để phát triển nguồn nhân lực của Tây Nguyên, nhất là trong việc xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế, đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các nhóm nhân lực trình độ cao trong các ngành trọng điểm của vùng và thúc đẩy phát triển bền vững tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

V.T