03:22 20/03/2016

Phát triển mô hình trường bán trú vùng khó khăn

Bắt đầu từ năm học 2011- 2012, tỉnh Cao Bằng triển khai hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú tại các vùng dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hệ thống này đã góp phần tăng tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Hưng Đạo, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc là một trong những điển hình về hiệu quả của việc tổ chức bán trú cho học sinh. Cô giáo Hoàng Thị Nhọt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 199/232 em học sinh của trường được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, trong đó có 100 em được xét ở nội trú vì điều kiện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Học sinh có điều kiện học tập, sinh hoạt hơn trong môi trường học bán trú.

Tại trường, các em được thầy cô chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập. Ngoài giờ học, các em cùng thầy cô tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Nhờ đó, đời sống của các em được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Năm học 2011 - 2012, tỷ lệ học sinh bỏ học của trường là 3,3%, đến nay giảm còn 0,5%.

Theo bà Tô Thị Thu Trà, Trưởng phòng Giáo dục dân tộc và Công tác học sinh, sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng: Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có trên 15.000 học sinh bán trú ở 148 trường tiểu học, 26 trường PTCS, 78 trường THCS công lập tại 12 huyện. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch phát triển quy mô, số lượng trường THPT bán trú ở vùng sâu vùng xa, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh bán trú. Đặc biệt, tích cực vận động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và nhân dân các dân tộc trên địa bàn quan tâm, ủng hộ quỹ đất, công san gạt mặt bằng, công vận chuyển vật liệu xây dựng,… để làm sân, phòng ở, nhà bếp cho học sinh.

Tin, ảnh: Quân Trang