09:10 18/09/2012

Phát triển mạnh phong trào văn nghệ quần chúng ở vùng sâu, vùng xa Sơn La

Tỉnh Sơn La hiện có trên 2.200 đội văn nghệ quần chúng (VNQC) hoạt động ở hầu khắp các làng bản trong tỉnh, trong đó có 120 đội chất lượng nghệ thuật tốt, phong phú về thể loại, thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào tại địa phương...

Tỉnh Sơn La hiện có trên 2.200 đội văn nghệ quần chúng (VNQC) hoạt động ở hầu khắp các làng bản trong tỉnh, trong đó có 120 đội chất lượng nghệ thuật tốt, phong phú về thể loại, thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào tại địa phương, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Đội văn nghệ bản Chẩu Quân, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).

 

Đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho thấy, Sơn La là một trong số những tỉnh miền núi có đội VNQC hoạt động mạnh, thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Từ phong trào hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cơ sở đã góp phần tích cực việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của vùng Tây Bắc nói riêng và kho tàng nghệ thuật dân gian các dân tộc Việt Nam nói chung.


Ông Nguyễn Ngọc Toa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Phong trào văn hóa văn nghệ của tỉnh đã phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng. Hoạt động của các đội VNQC đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân các dân tộc. Qua đó khẳng định quá trình xây dựng, duy trì, phát triển văn hóa quần chúng của tỉnh Sơn La trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


Để có được phong trào này, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La đã tổ chức xây dựng đội văn nghệ mẫu làm nòng cốt, nhân rộng phong trào như: Đội văn nghệ bản Bó, bản Hẹo, bản Cọ (thành phố Sơn La), bản Cẩm, Phiêng Xạ (huyện Thuận Châu), bản Lạnh, Rừng Thông, Co Chai (huyện Mai Sơn), Mường Hung (huyện Sông Mã), Mường Lạn (huyện Sốp Cộp), Cao Đa, Bản Phúc (huyện Bắc Yên)… Đây là những điểm sáng có phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ trong các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần triển khai có hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Sơn La.


Các đội văn nghệ của bản đều có những nghệ nhân dân gian, cán bộ văn hóa được tập huấn, đào tạo, làm hạt nhân để xây dựng và duy trì hoạt động của đội. Tại bản Hìn, phường Chiềng An (thành phố Sơn La), anh Lò Văn Tiêng, Bí thư chi bộ, vừa là đội trưởng đội văn nghệ vừa là diễn viên, nhạc công có khả năng thổi nhiều loại pí (sáo). Đội đã xây dựng được 6 tiết mục múa, 4 tiết mục khắp (hát dân gian) Thái, 2 tiết mục tấu nhạc cụ, mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Đợt tham dự Hội thi Sơn Ca - 92 tại Hà Nội, chương trình có 6 tiết mục thì 3 tiết mục đoạt Huy chương Vàng, 3 tiết mục còn lại đoạt Huy chương Bạc. Đại sứ quán Thái Lan đã mời 2 diễn viên Lò Văn Tiêng và Lò Thanh Hòa của Đội văn nghệ bản Hìn sang biểu diễn tại Thái Lan.


Ông Cầm Ngọc Quang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Yên, cho biết: Việc xây dựng các đội văn nghệ quần chúng là một trong những việc làm của huyện, xã thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm và nhân dân hưởng ứng tích cực. Từ phong trào này, Bắc Yên hiện có 142 đội văn nghệ, 48 đội bóng đá, 52 đội bóng chuyền và 6 câu lạc bộ cầu lông thường xuyên hoạt động, phục vụ nhân dân. Có 8/16 xã, thị trấn có nhà văn hoá xã, 67/149 bản, tiểu khu có nhà văn hóa.


Được biết, từ năm 1992 đến nay, tỉnh Sơn La đã có trên 4.000 lượt diễn viên không chuyên, nghệ nhân các dân tộc thiểu số tham gia khoảng 80 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, ngày hội do Trung ương, vùng, miền tổ chức, với thành tích được tặng 223 bằng khen, 45 Huy chương Vàng, 42 Huy chương Bạc, 10 giải đặc biệt, 71 giải A toàn đoàn. Đây là dịp để các đội VNQC giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời giới thiệu, quảng bá với bạn bè, du khách những nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Sơn La.


Hiện Sơn La đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội, nhằm duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng biểu diễn VNQC. Trong đó chú trọng xây dựng đội văn nghệ từng dân tộc như: dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú… nhằm khai thác, giới thiệu đầy đủ những giá trị văn hóa của các dân tộc Sơn La; thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho hạt nhân văn nghệ cơ sở, tổ chức truyền dạy hát dân ca và nhạc cụ dân tộc, để đội VNQC phát triển mạnh về mọi mặt, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân ở địa phương.


Bài và ảnh: Điêu Chính Tới