01:09 29/01/2019

Phát triển Kinh tế số - Bài 2: Tối ưu hóa mô hình

Kinh tế số đang diễn ra trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp, thương mại, cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tối ưu hóa nguồn lực đầu vào, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: blog.paycorp.co.za

Do đó, nếu nắm bắt cơ hội và khai thác được tiềm năng, Việt Nam chắc chắn có thêm động lực để giải quyết các thách thức trong phát triển kinh tế, nhất là tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Dù vẫn còn nhiều thách thức nhưng thương mại điện tử Việt Nam là một thị trường đầy hấp dẫn với quy mô dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với việc các dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước, các chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục có nhiều biến động và thay đổi lớn trong thời gian sắp tới.

Vì vậy, để tiếp cận với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số trong cuộc cách mạng 4.0, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng cần sự đầu tư lớn về nguồn vốn, công nghệ và nhân lực. Hơn nữa, ngoài các công nghệ về thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, blockchain (chuỗi khối) là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực được kỳ vọng trong thương mại điện tử.

Khảo sát mới đây của Công ty TNHH CBRE Việt Nam đã mang lại tin vui cho các doanh nghiệp thương mại điện tử khi ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều cho rằng sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế và sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng thường xuyên hơn trong tương lai.

Giới phân tích cũng đưa ra dự báo: Đến năm 2020, dự kiến tại Việt Nam có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người. Theo đó, thương mại điện tử trên nền tảng di động và thương mại điện tử định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới và chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu.

Để khai thác mảnh đất nhiều tiềm năng này, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là mắt xích quan trọng giúp thương mại Việt Nam phát triển. Đặc biệt, thương mại điện tử tương tác (social commerce) có nhiều triển vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2019 khi xu hướng này đang thu hút quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, cần một hệ thống thể chế thuận lợi và đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để tạo ra được hạ tầng kĩ thuật cho nền kinh tế số.

Bên cạnh những hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, doanh nghiệp phải tối ưu hóa mô hình kinh doanh và tập trung phát triển kỹ năng mới nhằm sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh cũng như có giải pháp để quản lý tài sản trí tuệ khi thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh trong thời kỳ mới.

Giải pháp bền vững

Theo ông Đặng Hoàng Hải, công nghệ số và kết nối trực tuyến đang và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.

Do đó, công nghệ số và kết nối trực tuyến đang và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN nói chung cũng như Việt Nam nói riêng trong những năm tới. Vì thế, nền kinh tế số của tương lai sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu.

Để tạo thêm động lực mới, ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho biết, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam đã đề xuất cùng phối hợp với Bộ Công Thương hướng phát triển thương mại điện tử bền vững.

Một trong những mục tiêu chính của chương trình này là đến 2025 thương mại điện tử của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước, tốc độ tăng trưởng vẫn giữ ở mức 25-30%/năm nhưng chỉ chiếm 50% giá trị giao dịch trên toàn thị trường và 50% còn lại thì cho 61 tỉnh thành còn lại.

"Năm 2019, Cục cần đẩy mạnh hợp tác với Hiệp hội về chương trình thương mại điện tử bền vững, bởi vì ở Việt Nam không có sự tham gia của Cục sẽ rất khó để triển khai đến tận địa phương, quan trọng là thị trường nông thôn để họ có cơ hội bán được hàng," ông Minh kiến nghị.

Hướng tới các giải pháp phát triển nền kinh tế số, ông Đào Ngọc Chiến- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất, doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa.

Cùng với đó, doanh nghiệp tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới.

Với lĩnh vực khoa học và công nghệ, cần có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới. Riêng lĩnh vực truyền thông, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế...

Ông JustinWood, Trưởng đại diện WEF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khuyến cáo, sự phát triển kinh tế số của Việt Nam trong tương lai cần có yếu tố của khu vực và trong nước, bởi nhiều công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ phát huy hiệu quả nếu được thực hiện và áp dụng trên phạm vi quy mô quốc gia. Đồng thời, các công nghệ này sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu kết nối được với các quốc gia trong khu vực.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, song hành cùng thương mại điện tử, kinh tế số đang diễn ra trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng xử lý các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước và tái cơ cấu trong ngành công thương.

Do vậy, bên cạnh việc tích hợp công nghệ số hóa, doanh nghiệp phải tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh cũng như có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số. Bởi theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, nếu không nắm bắt được cơ hội, hòa mình vào xu thế thời đại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua cuộc ngay trên thị trường nội địa thậm chí sẽ phải lùi xuống những thứ bậc thấp hơn trong các chuỗi giá trị.

Uyên Hương (TTXVN)