10:12 05/10/2018

Phát triển kinh tế biển xanh bền vững - Bài 2: Nâng cao chất lượng môi trường

Theo Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng xanh của Liên hiệp quốc: Tăng trưởng xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội.

Chú thích ảnh
Phong cảnh Vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, trong quá trình áp dụng tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã thông qua ‘Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và năm 2014 thông qua ‘Kế hoạch Hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020’.

Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu chung là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong trường hợp của Việt Nam, biển đóng vai trò trọng yếu cả về kinh tế và an ninh, cho nên phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Song nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế biển chưa xứng tầm, chưa rõ ràng ngay cả đối với một số bộ, ngành và địa phương ven biển. Vì thế, không ít bộ, ngành và địa phương liên quan thiếu chủ động và lúng túng trong việc cụ thể hóa một cách sáng tạo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 thành các kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với thực tế của đơn vị.

Ở Việt Nam, tư duy khai thác vẫn nặng hơn tư duy phát triển nên hoạt động khai thác các dạng tài nguyên vật chất vẫn được ưu tiên, các giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái và giá trị không gian của các vùng/khu vực biển chưa được chú trọng đúng mức.

Chưa có mô hình phát triển mang tính đột phá đối với một số khu vực ven biển và đảo ven bờ vốn được xem là rất giàu tiềm năng. Kinh tế biển xanh đang là hướng ưu tiên của thế giới và đã được ghi trong Chiến lược (2012) và Kế hoạch Hành động quốc gia (2014) về Tăng trưởng xanh.

Nhưng quá trình triển khai các chính sách như vậy đang gặp không ít khó khăn cả về nhận thức và nguồn lực. Hậu quả là nguồn vốn tự nhiên cho phát triển kinh tế biển xanh không được bảo toàn và tiếp tục bị suy giảm chất lượng.

Cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế biển

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi cá lồng bè tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Theo nhận xét của Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hồi, Trường Đại học khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội, biển Việt Nam được xem là giàu tài nguyên thiên nhiên và nằm trong khu vực Biển Đông có lịch sử tranh chấp biển kéo dài. Cho nên, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bình đồ phát triển kinh tế quốc dân và chiến lược bảo đảm an ninh quốc phòng của Việt Nam trong mọi thời đại.

Thời gian qua, kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước, nhưng quy mô phát triển đến nay hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng và những giá trị mà biển đem lại. Để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá, thì phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng.

Chỉ có như vậy, nước ta mới có thể trở thành "quốc gia mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển" như mục tiêu chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Kinh tế biển xanh và tăng trưởng xanh sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển, nhưng cũng đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan tới phát triển bền vững biển và hải đảo trong thời gian tới

Khả năng phát triển một nền kinh tế biển xanh ở nước ta là một vấn đề không chỉ có tính chất toàn cầu, mà còn là vấn đề “đại sự” quốc gia. Tuy vậy, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh vẫn còn là những vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, dù nó đã song tồn trong suốt 20 năm thực hiện phát triển bền vững cùng với 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (từ Rio 92 đến Rio+20).

Ở Việt Nam, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đây là cơ hội lớn để nước ta có thể hướng đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014.

Mặc dù còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng: “Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế cùng với bảo đảm rằng các nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới”.

Còn theo Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP, 2011): “Kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái”.

Hiểu một cách đơn giản thì kinh tế xanh là một nền kinh tế phát thải ít cacbon, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, tạo ra việc làm và công bằng xã hội, hướng vào cải thiện sinh kế của người dân

Kinh tế xanh lấy môi trường là “chất xúc tác” cho tăng trưởng, cho đổi mới nền kinh tế “nâu” và tăng cường phúc lợi xã hội. Tăng trưởng xanh là một định hướng mới, thúc đẩy kinh tế phát triển theo theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm bảo đảm nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ hệ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào. Như vậy có thể xem tăng trưởng xanh định hướng mục tiêu cần đạt cho một phương thức phát triển kinh tế mới (kinh tế xanh) trong bối cảnh biến đổi toàn cầu và trở thành nền tảng cho phát triển bền vững.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Chiến lược xanh) yêu cầu “Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”. Chiến lược xanh cũng đề ra mục tiêu chung là “Tăng trưởng xanh, tiến tới các nền kinh tế cacbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Hiện nay, các ngành và các địa phương cả nước đang triển khai thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có lĩnh vực kinh tế biển. Chiến lược xanh ra đời là sự khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, chủ động chuyển dần từ nền kinh tế nâu sang một nền kinh tế xanh với các lợi ích cơ bản là góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên, cải thiện nguồn vốn văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới phát triển bền vững.

Bài 3: Tiềm năng quý giá của biển, đảo đang được “đánh thức”

Văn Hào (TTXVN)