08:13 02/08/2019

Phát triển kinh tế biển Trung Trung bộ - Bài 1: Thúc đẩy khai thác hải sản xa bờ

Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam chỉ rõ, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với việc tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ.

Chú thích ảnh
Nhiều tàu cá vẫn neo đậu ở luồng vào Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Hiện đại hoá công tác quản lý nghề cá trên biển và đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá... theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh; phát huy tiềm năng lợi thế của biển.

Để khai thác kinh tế biển hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, các địa phương trong vùng Trung Trung bộ gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đang tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của từng địa bàn; lựa chọn những lĩnh vực, ngành có tính chất đột phá trong kinh tế biển. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng; phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Được ví như một phần "mặt tiền" của Việt Nam nhìn ra biển Đông, có đường bờ biển dài trên 350 km, với một ngư trường rộng lớn cùng nguồn hải sản phong phú, các tỉnh Trung Trung bộ có ưu thế rất quan trọng về kinh tế biển. Các địa phương trong vùng Trung Trung bộ gồm Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam hiện đang kết hợp thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đồng thời đầu tư phát triển đội tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ, giảm dần số tàu công suất nhỏ khai thác gần bờ.

Tại tỉnh Quảng Trị, trong 10 năm qua, đội tàu cá xa bờ của tỉnh đã tăng khoảng 90 chiếc và có được điều này là do ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi và sự hỗ trợ từ Nghị định 67/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67); Quyết định 48/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích khai thác hải sản ở vùng biển xa.

Ngư dân Quảng Trị đã được vay khoảng 550 tỷ đồng theo Nghị định 67 để đóng mới 32 tàu cá; trong đó, đưa vào sử dụng 25 tàu cá công suất lớn; nâng cấp 118 tàu cá và có hơn 90 tàu đã đi vào hoạt động.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, các tàu cá được đóng mới và nâng cấp theo theo Nghị định 67 đều phát huy hiệu quả trong khai thác hải sản xa bờ. Minh chứng là những tháng đầu năm 2019, ngư dân Quảng Trị trúng hàng chục, hàng trăm tấn cá bè.

Điển hình là tàu của ngư dân Lê Văn Viện, ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, đánh bắt được 120 tấn cá bè, bán được hơn 5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều tàu khác đánh bắt được hàng chục tấn cá bè như: tàu của ngư dân Hồ Văn Thà trúng hơn 20 tấn cá bè; tàu của ngư dân Lê Văn Tuấn trúng 10 tấn bè.

Cá bè có giá khá cao từ 50.000 - 55.000 đồng/kg nên ngư dân làm nghề đánh bắt cá bè được mùa, được giá. Tương tự, ngư dân làm nghề đánh bắt cá thu cũng trúng đậm, bởi mỗi tàu khai thác được 1 - 1,5 tấn cá thu. Hiện giá cá thu rất cao từ 200.000 - 250.000 đồng/kg nên ngư dân làm nghề này cũng thu lãi lớn.

Bằng việc tái cơ cấu ngành nghề, sản lượng khai thác hải sản ở tỉnh Quảng Trị đã tăng trở lại sau sự cố môi trường biển năm 2016. Cụ thể, sản lượng khai thác hải sản của Quảng Trị năm 2016 chỉ đạt 15.500 tấn, năm 2019 dự báo đạt trên 24.000 tấn; trong đó, 7 tháng năm 2019 đã đạt gần 16.000 tấn, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị vẫn tập trung hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ. Tỉnh đã hỗ trợ các chủ tàu thành lập trên 110 tổ, đội sản xuất trên biển với trên 2.600 ngư dân tham gia. Năm nay, tỉnh hỗ trợ ngư dân gần 13 tỷ đồng theo các chính sách của Nghị định 67.

Thực hiện Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm cho thuyền viên thực hiện đánh bắt xa bờ.

Kinh tế biển cũng đang được tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư đúng hướng, phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Tỉnh tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ; đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh hiện đại hoá việc quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ và đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá...

Bà con ngư dân đã đầu tư thêm nghề mới, bám biển dài ngày, đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá ngừ đại dương, cá lạc, cá cờ. Các địa phương vùng ven biển thành lập được 330 cơ sở chế biến, sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô, tạo hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá, giải quyết việc làm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống dân cư trong vùng.

Thực hiện Nghị định 67, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đóng mới 40 tàu đánh bắt xa bờ; trong đó, có 4 tàu vỏ thép công suất trên 829CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400 đến 800CV.  Ngư dân Trần Dành, ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ tàu cá vỏ thép cho biết, từ khi vay vốn ngân hàng đóng tàu vỏ thép, cơ sở này đã vươn khơi bám biển dài ngày, còn giúp cho 20 lao động có việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập 86 chi hội nghề cá, thu hút trên 7.000 hội viên tham gia; trong đó, có 50 chi hội nghề cá hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Hiện, lĩnh vực thủy sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có bước phát triển mạnh với sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 10.813 tấn/năm, tăng 5,59%; khai thác biển đạt khoảng 32.500 tấn/năm, tăng 21,73%. Điều này góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá theo hướng tích cực; chuyển từ sản xuất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản có giá trị và hiệu quả cao; tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 10.000 gia đình với hơn 21.000 lao động. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã đạt khoảng 16 triệu USD, tăng 2,1 lần so với các năm trước. 

Thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 7.600 lượt tàu cá thực hiện kê khai nguồn gốc xuất xứ hải sản qua Cảng cá Thọ Quang với sản lượng 54.886 tấn. Còn tỉnh Quảng Nam hiện có 740 tàu đánh cá xa bờ và đang đẩy mạnh phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với việc hình thành các tổ đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá trên biển. Quảng Nam đang hướng tới việc đầu tư xây dựng mới các cảng cá, nhất là cảng cá Tam Quang theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu hậu cần cho tàu cá vươn khơi, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành khai thác thủy sản của Quảng Nam cũng như các tỉnh ven biển Trung Trung bộ trong thời gian tới...

Bài 2: Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Nhóm phóng viên (TTXVN)