11:22 24/11/2016

Phát triển hồ tiêu bền vững trong quá trình hội nhập

Tối 24/11, tại thị xã Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Diễn đàn “ Phát triển chuỗi giá trị hồ tiêu bền vững trong thời kì hội nhập TPP”, với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và hơn 500 nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung về phát triển chuỗi giá trị hồ tiêu bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập; việc cung ứng đầu vào và quy trình kỹ thuật canh tác; quản lý nhà nước, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, thị trường tiêu thụ và ký kết tài trợ vay vốn trên tình thần hợp tác 3 bên: “ Ngân hàng – doanh nghiệp – nông dân”.

Các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành về hồ tiêu của Việt Nam đã đánh giá về thực trạng canh tác, điều kiện thổ nhưỡng của hồ tiêu Đắk Nông cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong c hế biến, bảo quản sau thu hoạch của người trồng hồ tiêu. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Đắk Nông, hiện nay việc trồng hồ tiêu theo mô hình sản xuất sạch từ việc chọn giống, bón phân hữu cơ hoặc các chế phẩm sinh học, kỹ thuật xử lý nấm bệnh... đang được Đắk Nông đẩy mạnh do mang lại năng suất cao hơn, ít dịch bệnh, giá thành sản phẩm tốt hơn và có thể thâm nhập được vào những thị trường khó tinh như Hoa Kỳ, Châu Âu.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, trong những năm qua, tình hình sản xuất hồ tiêu của Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung ứng vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đảm bảo chất lượng. Lợi nhuận thu được từ việc sản xuất hồ tiêu tăng cao nên bà con trồng tiêu một cách ồ ạt, chưa chú trọng đến vấn đề lựa chọn chất lượng cây giống, quy trình kĩ thuật dẫn đế tình trạng dịch bệnh phát sinh…gây ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững hồ tiêu.

Để nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hồ tiêu trên thị trường, giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp cần phải làm từ đầu với người dân, cùng góp vốn, cùng làm, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch, cùng chia lợi nhuận với người dân. Nếu bà con nông dân sản xuất hồ tiêu có doanh nghiệp đồng hành, có đầu ra ổn định thì bà con sẽ làm tốt. Giáo sư Nguyễn lân Hùng cũng cho rằng vai trò của doanh nghiệp kết hợp với nông dân hiện nay là hết sức quan trọng, là quyết định sống còn.

Trong những năm qua, hồ tiêu trở thành mặt hàng nông sản quan trọng tại tỉnh Đắk Nông do mang lại nguồn thu nhập cao và nhiều tiềm năng xuất khẩu. Hiện nay, diện tích hồ tiêu tại Đắk Nông đã lên đến 27.000 ha với trên 14.000 ha hồ tiêu kinh doanh. Đắk Nông cũng là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua phần lớn hồ tiêu tại Đắk Nông được người dân trồng chủ yếu là tự phát, không theo một quy trình kỹ thuật nào nên một số diện tích hồ tiêu bị dịch bệnh và chất lượng sản phẩm chưa cao.
Ngọc Minh (TTXVN)