10:07 09/10/2014

Phát triển hệ thống thương mại Hà Nội theo hướng hiện đại

Trong 60 năm qua, ngành thương mại Hà Nội đã phát triển lớn mạnh, khẳng định vị trí là trung tâm giao thương hàng đầu cả nước. Tuy vậy, với đặc thù kinh tế - xã hội Thủ đô cũng như tiến trình quốc tế hóa ngày càng sâu rộng, ngành thương mại Hà Nội đang chuyển mình...

Trong 60 năm qua, ngành thương mại Hà Nội đã phát triển lớn mạnh, khẳng định vị trí là trung tâm giao thương hàng đầu cả nước. Tuy vậy, với đặc thù kinh tế - xã hội Thủ đô cũng như tiến trình quốc tế hóa ngày càng sâu rộng, ngành thương mại Hà Nội đang chuyển mình và tự đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển chung của Thủ đô và khu vực. Hiện nay, cùng với hệ thống thương mại truyền thống sẵn có, thành phố tập trung phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế Thủ đô.

Dịch chuyển nhanh theo hướng hiện đại

Trong những năm 1960 - 1980, thương mại Hà Nội phát triển theo hướng các doanh nghiệp nhà nước với hệ thống phân phối bán lẻ là các cửa hàng bách hóa tại trung tâm các quận, huyện, thị xã và giao dịch mua bán tại các phiên chợ quê tại vùng nông thôn ngoại thành, hoạt động trong cơ chế bao cấp và chuyển dịch dần sang kinh tế thị trường.

Hà Nội phát triển mạnh hệ thống thương mại hiện đại.  Ảnh: Trần Việt - TTXVN



Giữa những năm 1990, siêu thị đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội mang lại cái nhìn mới cho người tiêu dùng Thủ đô về hình thức thương mại hiện đại. Đến nay, toàn thành phố có 135 siêu thị, 28 trung tâm thương mại và hàng trăm cửa hàng tiện ích. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều công trình hạ tầng thương mại quy mô lớn, vừa kế thừa tính truyền thống, vừa phát huy tính hiện đại phù hợp với định hướng hiện đại hóa hệ thống thương mại Thủ đô, đồng thời phù hợp thói quen tiêu dùng của người dân. Trong đó, nhiều trung tâm thương mại mang tầm quốc gia, quốc tế với vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Riêng trong 3 năm, từ 2012 - 2014, Hà Nội đã có 8 trung tâm thương mại được đầu tư, đưa vào hoạt động với kinh phí hơn 42.000 tỷ đồng, cùng với 25 siêu thị khai trương đưa vào hoạt động. Điển hình như, Royal City với tổng đầu tư toàn dự án hơn 10.000 tỷ đồng, Times City với tổng mức đầu tư toàn dự án hơn 30.000 tỷ đồng, dự án TTTM AEON Mall (Nhật Bản) tại Long Biên đã khởi công với diện tích 9,6 ha, diện tích xây dựng 56.139 m2, tổng mức đầu tư đạt 200 triệu USD (tương đương 40.000 tỷ đồng)… hay trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, Lotte, Indochina Plaza Hà Nội và hệ thống siêu thị Ocean Mart, Fvimart...

Hướng phát triển thương mại của Hà Nội là phát triển đồng bộ các loại hình thương mại hiện đại, phù hợp với điều kiện thành phố và theo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, các loại hình thương mại hiện đại phát triển hài hòa với các loại hình thương mại truyền thống hướng tới các nguyên tắc phục vụ văn minh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tuân thủ các quy chuẩn, thống nhất. Hệ thống thương mại Hà Nội phải ngày càng tiếp cận xu hướng thế giới và tuân thủ các cam kết quốc tế.

Thu hút mọi nguồn lực phát triển thương mại hiện đại


Định hướng phát triển hạ tầng thương mại thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng năm 2030, thương mại Thủ đô cần khuyến khích phát triển 864 siêu thị và 34 TTTM các loại. Trong đó 23 siêu thị hạng 1 và 19 trung tâm thương mại hạng 1. Tuy nhiên trong quá trình triển khai sẽ rà soát, đánh giá, định hướng về số liệu cụ thể phù hợp với quy hoạch chung và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong từng giai đoạn. Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các ngành, quận, huyện xác định vị trí đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, tiến tới kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Bước đầu, các ngành thống nhất trình Thành phố phê duyệt 8 dự án đầu tư hạ tầng thương mại, trong đó 3 dự án kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi ngân sách thành phố không thể đầu tư toàn bộ hạ tầng hệ thống thương mại, nhất là khi ngành thương mại Thủ đô đang dịch chuyển theo xu hướng hiện đại hóa thì việc huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại đang là giải pháp khả thi. Trong vài năm gần đây, sự ra đời của các trung tâm thương mại, siêu thị có vốn xã hội hóa lớn như: Royal City, Time City, Lotte Mart, Ocean Mart, TTTM AEON Mall (Nhật Bản), Fivimart… không chỉ khẳng định phát triển mạnh của hệ thống thương mại hiện đại mà còn chứng tỏ khả năng thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực này rất cao.
Việc thu hút đầu tư xây dựng, quản lý chợ cũng được thực hiện từ nhiều năm qua. Hiện, thành phố có 6 công trình chợ đã được cải tạo xây dựng thành các công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại với tổng số vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Đó là các chợ - trung tâm thương mại Cửa Nam, 41 Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Ô Chợ Dừa, Mơ… Mục đích của việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư các công trình trên nhằm nâng cao hoạt động thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm mỹ quan đô thị, tăng hiệu suất sử dụng đất.

Cùng với triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hoạt động mua bán ngày càng tăng lên cả về qui mô, phạm vi không gian, cũng như sự đa dạng của các phương thức giao dịch, hình thức kinh doanh, các yêu cầu về phục vụ văn minh, bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm…, trong đó hoạt động mua bán hàng hóa qua chợ, đặc biệt là thị trường nông thôn sẽ vẫn được phát triển với trọng tâm là cung ứng hàng tiêu dùng hàng ngày ở nông thôn, cung ứng tư liệu sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ hàng nông sản với giá thị trường để nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong thời gian tới, xu hướng phát triển các loại hình thương mại hiện đại trong điều kiện hội nhập quốc tế diễn ra nhanh hơn, đặt ra yêu cầu phát triển hài hòa, cân đối và hợp lý giữa chợ truyền thống với phát triển các loại hình thương mại hiện đại khác (siêu thị, TTTM…). Hà Nội là Thủ đô, trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, trung tâm giao thương quốc tế của cả nước nên phải chú trọng phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đa dạng.

Để phát triển thương mại Hà Nội theo hướng văn minh, thành phố sẽ tạo môi trường bình đẳng, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư cũng như các vấn đề liên quan khác. Các thành phần kinh tế này sẽ hoạt động dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Theo đó, Hà Nội áp dụng đồng bộ các giải pháp để phát huy nội lực, kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài đẩy mạnh hiện đại hóa trong lĩnh vực thương mại, ứng dụng thương mại điện tử vào quản lý kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngành thương mại Thủ đô sẽ phát triển hài hòa và đồng bộ cơ sở vật chất để từng bước tiếp cận các xu hướng thương mại quốc tế.

Việc đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng và cả nước là điều có thể kỳ vọng trong thời gian gần. Trong đó, hệ thống thương mại hiện đại được coi là “xương sống” trong hoạt động thương mại của Thủ đô.

Trần Thị Phương Lan PGĐ Sở Công Thương Hà Nội