05:11 04/05/2012

Phát triển hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc: Vướng mắc về kinh phí

Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2011 và kế hoạch triển khai năm 2012, nhiều địa phương cho biết, sau gần 1 năm khởi động, các tỉnh đã ký hợp đồng khảo sát tư vấn lập dự án đầu tư cho 45 tiểu dự án nhưng ngân sách phân bổ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.

Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2011 và kế hoạch triển khai năm 2012 của Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 3/5, nhiều địa phương cho biết, sau gần 1 năm khởi động, các tỉnh đã ký hợp đồng khảo sát tư vấn lập dự án đầu tư cho 45 tiểu dự án nhưng ngân sách phân bổ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Đơn cử, theo lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên, 3 tiểu dự án của tỉnh được bố trí vốn khoảng 7,2 triệu USD nhưng khảo sát hiện nay cho thấy tổng mức đầu tư cần thiết phải cao gấp đôi con số này.


Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai ở 15 tỉnh miền núi nghèo phía Bắc thực hiện trong 6 năm (2011- 2016). Có 15 tỉnh thụ hưởng Dự án gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Dự án hướng đến mục tiêu trước mắt là xây dựng, cải tạo và nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn cho 15 tỉnh miền núi phía Bắc; xây dựng và nâng cao năng lực quản lý cơ sở hạ tầng cấp cộng đồng để từng bước cải thiện điều kiện sống của người dân nghèo miền núi.


Mặc dù mục tiêu lớn như vậy, nhưng kinh phí đầu tư cho việc thực hiện dự án cấp cho các tỉnh khá khiêm tốn. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, tổng mức đầu tư Dự án là 138 triệu USD. Theo đó, trong 6 năm từ 2011- 2016, mỗi tỉnh được đầu tư trên dưới khoảng 200 tỷ đồng để thực hiện. Nguồn vốn này có thể không đáp ứng được yêu cầu do nhiều tiểu dự án tuy không tăng về quy mô nhưng do vật giá, nhân công… tăng nên nhiều tỉnh bị vượt kinh phí so với dự toán ban đầu.


Để giải quyết vướng mắc đó, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết bộ đang tập trung rà soát kỹ dự án ở các tỉnh, xác định những nội dung có thể cắt giảm, tập trung ưu tiên những tiểu dự án về an sinh cho người dân, để nâng cao đời sống người dân miền núi.


Mạnh Minh