04:23 02/04/2012

Phát triển giao thông đường thủy nội địa để “gánh” cho đường bộ

Cùng với phát triển giao thông đường bộ, hiện nay việc phát triển giao thông đường thủy nội địa đang là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giao thông Vận tải.

Cùng với phát triển giao thông đường bộ, hiện nay việc phát triển giao thông đường thủy nội địa đang là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giao thông Vận tải. Mới đây, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã hoàn thành đề cương quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa miền Bắc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong tương lai, hệ thống các cảng đường thủy sẽ trở thành trung tâm kết nối với các phương thức vận tải khác góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Nhiều lợi thế

Theo khảo sát đánh giá của ngành Giao thông Vận tải, Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống sông và mật độ sông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên hiện nay, đầu tư cho giao thông thủy còn rất hạn chế (chiếm khoảng 2,5% đầu tư cho giao thông) nên đã không phát huy hết được tiềm năng về giao thông thủy nội địa.

Nạo vét sông Hồng khu vực huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.


Cả mạng lưới đường thủy ở phía Bắc hiện có trên 4.500 km đang khai thác vận tải, trong đó tuyến quốc gia là 2.663,9 km, chạy qua hầu hết các trung tâm kinh tế, đô thị, các khu công nghiệp. Sự ra đời của các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang và những công trình thủy điện tương lai như Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát (sông Đà) góp phần điều tiết, giảm biên độ dao động mực nước lũ, giảm bớt sa bồi ở hạ lưu các sông; đồng thời tạo ra các hồ chứa nước dài hàng trăm km và là các đường vận tải lý tưởng. Theo sự phân vùng kinh tế, phía Bắc đã hình thành các cụm cảng đầu mối là: Cụm cảng Hà Nội, Ninh Bình, Việt Trì, Hòa Bình, Hà Bắc, Quảng Ninh, Đa Phúc… Ngoài ra có trên 30 cảng chuyên dụng khác, phục vụ cho các nhu cầu xuất khẩu, tiêu thụ than của các nhà máy nhiệt điện, xi măng, công nghiệp tàu thủy, chuyển tải hàng siêu trường siêu trọng.

Tuy nhiên, do phần lớn các cảng sông ở miền Bắc đều được xây dựng từ những năm 1980 nên phân tán, công trình, thiết bị bốc xếp đã cũ, lạc hậu. Hàng hóa qua cảng đầu mối mới chỉ đạt dưới 60% thiết kế, chủ yếu là hàng rời; hệ số sử dụng cầu bến, kho bãi thấp. Chưa có một cảng sông nào đủ tiêu chuẩn bốc dỡ container. Nhiều cảng bến tạm, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật khai thác, không được kiểm tra thường xuyên (về độ ổn định, sức chịu tải, neo đậu…). Ô nhiễm môi trường và sự suy giảm cảnh quan ở các cảng, bến thủy đã và sẽ tiếp tục tăng nhanh nếu không có biện pháp hạn chế.

Khuyến khích xã hội hóa

Định hướng phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải là tận dụng tốt nhất điều kiện tự nhiên, đồng thời đầu tư tập trung có kế hoạch để phát triển tối đa lợi thế của ngành vận tải thủy nội địa (vận tải hàng hóa khối lượng lớn, hàng siêu trường siêu trọng, giá thành rẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững. Tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020 là khoảng gần 37.000 tỷ đồng.

Theo định hướng trên, giao thông đường thủy sẽ được phát triển một cách đồng bộ về luồng tuyến, cảng bến, thiết bị bốc xếp, phương tiện vận tải và năng lực quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý và an toàn. Đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa gắn kết với mạng lưới giao thông khác tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt. Kết hợp giữa phát triển giao thông đường thủy nội địa với các ngành khác như thủy lợi, thủy điện. Mở một số tuyến vận tải mới như tuyến ven biển, tuyến quốc tế, tuyến chuyên container. Phát triển đội tàu vận tải theo hướng trẻ hóa (tuổi tàu bình quân là 5 - 7 năm), cơ cấu hợp lý (tàu kéo đẩy 30-35%; tàu tự hành 65-70%); tổng trọng tải đội tàu là 12 triệu tấn; tăng chiều dài đường thủy nội địa được quản lý và khai thác vận tải; hiện đại hóa hệ thống báo hiệu; kênh hóa các đoạn sông qua các đô thị lớn. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có kế hoạch hiện đại hóa một số cảng đầu mối, cảng chính ở các vùng kinh tế trọng điểm, cảng chuyên dùng; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa bốc xếp đối với các cảng địa phương; xây dựng một số cảng khách, bến khách. Đến năm 2020 đảm bảo vận chuyển được 190-210 triệu tấn hàng và 530- 540 triệu hành khách.

Để hỗ trợ cho phát triển giao thông thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải đang khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ giữ thị phần khoảng 10-15% để đảm bảo vai trò chủ đạo, tập trung vào các luồng hàng chủ yếu, một số mặt hàng chủ yếu.

Bài và ảnh: Hồng Ninh