07:06 05/07/2016

Phát triển du lịch cộng đồng ở miệt vườn

Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở lợi thế sông nước miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long, là hướng đi đúng, góp phần thu hút nhiều du khách quốc tế đến với vùng đất này.

Những mô hình du lịch cộng đồng

Với gia đình du khách Berne (người Pháp), tham gia làm cacao, cùng chế biến và ăn bữa cơm gia đình, thưởng thức đờn ca tài tử tại gia đình ông Mười Cương là những trải nghiệm ấn tượng về vùng đất Nam Bộ.

Ba năm trở lại đây, vườn ca cao của ông Lâm Văn Cương (hay còn được gọi là Mười Cương) nằm sâu trong ngõ nhỏ của ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) trở thành điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách quốc tế biết đến. Vườn rộng 1,2 ha, trồng hơn 200 cây ca cao. “Cách đây 50 năm, từ những trái ca cao, tôi đã mày mò nghiên cứu và đưa quy trình sản xuất bột ca cao, sôcôla đen. Gần đây, tôi còn tạo ra rượu vang ca cao, bơ ca cao và ca cao nguyên chất dùng làm kem hoặc bánh”, ông Mười Cương chia sẻ.

Trước đây, ông Mười Cương chỉ đơn thuần trồng và bán sản phẩm ca cao truyền thống. Năm được mùa được giá, vườn ca cao cho thu nhập hơn 200 triệu/năm. Trong quá trình chào bán sản phẩm, một số đơn vị du lịch gợi ý ông Mười Cương làm du lịch cộng đồng để tiêu thụ luôn sản phẩm tại chỗ. Do ông Mười Cương có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, nên thuận lợi giới thiệu về văn hóa ẩm thực bản địa và thưởng thức ca cao tại đây. “Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, thu nhập tăng thêm khoảng 50% nhờ làm dịch vụ. Các sản phẩm được khách mua luôn tại vườn tiện lợi cho khâu tiêu thụ”, ông Mười Cương cho biết.

Ông Mười Cương đang giới thiệu các sản phẩm làm từ ca cao.

Tại xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên, An Giang) cũng có 9 hộ dân làm du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Sỹ Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: “Các gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng có những nhà sàn gỗ thấp truyền thống được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Khách muốn ở lại tại các nhà truyền thống, xem gia chủ làm nghề và tham gia trải nghiệm du lịch sông nước miệt vườn”. 

Anh Trần Phước Nguyên (xã Mỹ Hòa Hưng) làm du lịch cộng đồng được 3 năm trở lại đây, mỗi năm đón khoảng 200 lượt khách quốc tế. “Khi tham gia làm du lịch cộng đồng, gia đình cải tạo lại cảnh quan ngôi nhà, nhất là khu vệ sinh, đồng thời học tập kỹ năng giao tiếp với khách. Hiện nay, một số đơn vị du lịch đã đặt hàng để đón khách vào dịp cuối năm”, anh Trần Phước Nguyên cho biết.

Tạo kỹ năng hấp dẫn khách

Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, cả xã có 4 điểm vườn phát triển du lịch cộng đồng thường xuyên đón khách và nhiều điểm dịch vụ phục vụ du khách. Trước đây, hoạt động du lịch chủ yếu là tự phát, nhưng từ năm 2013, Dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) đã hỗ trợ địa phương trang thiết bị giảng dạy từ bàn ghế tới máy tính, ti vi, máy chiếu… và cử chuyên gia mở 2 lớp tập huấn, hướng dẫn cho người dân trong cộng đồng về cách làm du lịch bền vững, từ kỹ năng giao tiếp, cách quảng bá marketing...

Ông Mười Cương cho biết: “Trước đây, tôi làm du lịch theo thói quen, có gì làm nấy. Tuy nhiên qua lớp tập huấn, chúng tôi điều chỉnh hướng dịch vụ theo nhu cầu của khách, triển khai quảng bá về vườn ca cao, sản phẩm ca cao qua trang mạng xã hội; xây dựng logo, thương hiệu ca cao Mười Cương”.

Ông Hoàng Nhân Chính, chuyên gia kỹ thuật Dự án EU cho biết: “Từ lớp tập huấn mang tính trao đổi, chúng tôi tư vấn cho người dân làm cộng đồng những nhu cầu của du khách, từ việc đơn giản như in cardvisit, trang bị tủ thuốc, cải thiện vệ sinh môi trường… Du lịch cộng đồng là dựa trên những thứ sẵn có của người dân địa phương và được doanh nghiệp du lịch hoặc bản thân người làm du lịch điều chỉnh lại cho phù hợp với thị hiếu của khách.

Theo ông Phan Quang Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, vùng ĐBSCL có lợi thế về miệt vườn, sông nước nhưng việc thu hút khách còn khiêm tốn so với nhiều vùng khác trong cả nước. Một trong những lý do là chưa có sản phẩm du lịch đặc sắc. Nhiều nơi trong vùng đã hình thành điểm du lịch cộng đồng tự phát, trong quá trình đón tiếp khách tự điều chỉnh dần. 

Từ thực tế triển khai các mô hình du lịch cộng đồng do dự án EU, hiệp hội đang phối hợp với doanh nghiệp du lịch, người dân để nhân rộng. “Mỗi địa phương sẽ hình thành điểm du lịch cộng đồng dựa trên lợi thế sẵn có địa phương. Sau đó, doanh nghiệp, người dân và hiệp hội tư vấn cách làm, tạo sản phẩm cụ thể với từng đối tượng khách”, ông Phan Quang Hòa cho biết.
Bài và ảnh: Xuân Cường