09:18 27/09/2017

Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú

Chúng ta phải ứng phó cho được trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và biến vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng phát triển trù phú về nông nghiệp; trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách phù hợp.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại phiên họp toàn thể hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 27/9.

Bộ tưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất, trù phú nhất nước ta trong những năm qua. Năm 2016, sản lượng lúa vùng này đã đạt 24,5 triệu tấn. Toàn vùng đã sản xuất 56% sản lượng lúa, 70% sản lượng thủy sản 37% sản lượng trái cây của cả nước. Đây là vùng góp phần quan trọng cho an ninh lương thực của cả nước đồng thời góp phần rất lớn trong việc xuất khẩu nông thủy sản thu ngoại tệ cho cả nước.

Vì vậy, trước tình hình BĐKH đang tác động nhanh hiện nay, ĐBSCL rất cần được quan tâm đầu tư phát triển bền vững để trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú. Bởi hiện nay, trên nhiều quốc gia có lượng mưa rất ít như Israel, diện tích đất nông nghiệp rất ít mà mặt đất thấp hơn mặt nước biển như Hà Lan... nhưng các nước vẫn xây dựng được nền nông nghiệp tiên tiến hiện đại, xuất khẩu đạt kim ngạch rất cao. Vấn đề là chúng ta phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp như thế nào cho phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, thực hiện Quyết định 899/QĐ ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đều xây dựng kịch bản tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương mình. Mặc dù chỉ qua qua thời gian ngắn nhưng tất cả các địa phương đều đạt được thành công mức độ của mình và đều tìm ra được những vướng mắc.

Cụ thể như tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng được 5 sản phẩm kinh tế chủ lực của địa phương, nhưng thực tế vấn đề tổ chức tiêu thụ còn bị vướng cần tiếp tục tháo gỡ. Nhìn chung, tất cả các địa phương trong vùng đều đã rất chủ động, tích cực tái cơ cấu nông nghiệp nhưng trong thời gian tới, lãnh đạo các địa phương cũng cần liên tục hoàn thiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong từng lĩnh vực, từng thời điểm cụ thể với mục tiêu cao nhất, sáng tạo nhất để đạt được kết quả như mong muốn.

Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan nghiên cứu của vùng ĐBSCL cùng các tỉnh trong vùng phải giải quyết căn bản những nhu cầu giống của 3 nhóm nông sản chủ lực là: thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo trong 5 năm tới, đưa ra những giống tốt để sản xuất và cạnh tranh. Đây là khâu cốt lõi nhất, điểm yếu nhất trong nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa qua. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xử lý nhanh những bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh thu hút nghiệp doanh nghiệp để làm hạt nhân thực hiện các mô hình chuyển đổi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Thủ tướng Chính Phủ có văn bản chỉ đạo nghiêm để giữ nguyên 227.000 ha rừng còn lại của vùng này, không được sử dụng bất kỳ hoạt động nào khác ngoài nhiệm vụ an ninh quốc phòng; trong đó, có 43.000 ha rừng ngập mặn. Nếu không giữ được rừng ngập mặn thì không thể làm được việc gì khác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với các địa phương về việc khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia phát triển rừng mới, đất mới, mạnh dạn giao cơ chế cho các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất từ 50 - 70 năm.

Trên các cơ sở phân tích, đánh giá, tại Hội nghị chuyên đề, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp chung để đối phó với BĐKH, tình hình thiên tai, sạt lở. Đó là, tập trung vận động, đầu tư toàn thể bằng vốn nhà nước, các nguồn kinh tế, toàn dân, hợp tác quốc tế cho các chương trình trước mắt, trung hạn, dài hạn và các chương trình chiến lược. Đối với 40 điểm sạt lở bờ biển, bờ sông đang diễn ra trong vùng với tổng nguồn vốn khắc phục khoảng 2.000 tỷ đồng rất cần Chính phủ bố trí vốn thực hiện khắc phục ngay vì nếu để giao cho địa phương sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn và tình hình sạt lở sẽ tiếp tục, nếu làm sớm thì giá thành hạ, khắc phục nhanh hậu quả.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải mang tính bền vững tự nhiên. Nuôi trồng thủy hải sản mặn, lợ, ngọt là thế mạnh là tiềm năng có thể mở rộng dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản đó là giảm thiểu tối đa việc khai thác nước ngầm làm ô nhiễm nguồn nước, quản lý chặt không gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, tổ chức sản xuất phải được thúc đẩy liên kết hình thành các ngành hàng theo các quy mô khác nhau...

Ngọc Thiện (TTXVN)