10:14 31/10/2019

Phát triển đô thị thông minh không thể thiếu hệ sinh thái Fintech

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng nhiều đề án, trong đó việc “biến” TP thành trung tâm tài chính quốc tế là một trong những mục tiêu xuyên suốt của đề án đô thị thông minh.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo Toàn cảnh Công nghệ thông tin – Truyền thông (CNTT-TT) lần thứ 24 khai mạc sáng ngày 31/10 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết nếu TP không theo kịp xu thế phát triển công nghệ số, kinh tế số thì sẽ khó giải quyết các điểm nghẽn hiện nay mà thành phố đang cần tháo gỡ. Trong đó, việc đồng bộ hóa chính quyền thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt là vấn đề quan trọng để xây dựng đô thị thông minh, từ đó giải quyết các bài toán về cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị và biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, trong đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến 2025, điểm nhấn là xây dựng khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức. Khu đô thị sáng tạo này sẽ trở thành hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn và là nền tảng để triển khai đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố.

Sẽ có 3 khu đô thị mới là khu đô thị Thủ Thiêm ở quận 2 với quy hoạch chính là trung tâm tài chính kinh tế của thành phố, khu công nghệ cao ở quận 9 là nơi thực hành những ý tưởng sáng tạo và khu Đại học Quốc gia ở quận Thủ Đức là nơi ươm mầm cho ý tưởng, nghiên cứu khoa học, đào tạo quốc tế, quy tụ hàng nghìn sinh viên trên cả nước. Các ý tưởng về khu đô thị sáng tạo sẽ được thực hành tại Khu công nghệ cao, thí điểm, sau đó chuyển sang thương mại hóa giai đoạn đầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, theo ông Tuyến, để thực hiện được đề án trên, cần tính toán phát triển nguồn lực về tài chính. Bởi nguồn thu của TP Hồ Chí Minh tuy lớn nhưng cũng đã chia sẻ đóng góp ngân sách Trung ương cao nhất cả nước. Do đó, việc xây dựng trung tâm tài chính sẽ là mục tiêu để phục vụ cho cho việc phát triển TP Hồ Chí Minh trước mắt, về lâu dài sẽ là cho các tỉnh thành lân cận và của cả nước. Xuyên suốt giải pháp này là giải pháp về công nghệ số gắn với chính quyền thông minh, tiến tới việc số hóa, từ đó TP Hồ Chí Minh mới yên tâm đồng bộ triển khai thông qua dữ liệu thông minh. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Trong đó, công nghệ tài chính (Fintech) là một vấn đề xuyên suốt trong quá trình triển khai đề án. Việc đầu tiên là hạn chế tối đa chi tiêu không dùng tiền mặt từ y tế, giáo dục, giao thông… và tiến tới dịch vụ công. Hiện dịch vụ công còn triển khai chậm thanh toán không tiền mặt do còn nhiều vướng mắt, gây khó khăn cho người dân. Do đó, TP Hồ Chí Minh cũng muốn đặt hàng các doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ Fintech thanh toán trong dịch vụ công.

“Ngoài ra, Thành phố cũng muốn đề xuất các doanh nghiệp cùng hợp tác về kỹ thuật công nghệ để cùng hoạt động thanh toán đồng bộ trên một thẻ. Bởi hiện nay, có quá nhiều thẻ để thanh toán do một thẻ không thể thanh toán cùng nhiều ngân hàng, một thẻ không thể sử dụng trên nhiều lĩnh vực. Sự hợp tác của các doanh nghiệp, ngân hàng nên chặt chẽ hơn để phát triển hệ sinh thái Fintech bền vững”, ông Tuyến chia sẻ.

Chú thích ảnh
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, mong muốn NHNN sẽ có chính sách quản lý đột phá để tạo điều kiện cho hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc áp dụng thành công các công nghệ số để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ lan tỏa rất lớn, có thể đem lại hiệu quả cấp nhân đối với hoạt động kinh tế.

Cũng theo ông Tâm, Fintech có thể xem là một thị trường tiềm năng để góp phần phát triển nền kinh tế số, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ. Với chủ đề “Định hình tương lai Fintech Việt Nam”, hội thảo mong muốn các doanh nghiệp và các cơ quan ban, ngành có thể hiểu sâu hơn về lĩnh vực này, từ đó cùng nhau phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, chất lượng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, không chỉ là lĩnh vực tài chính – ngân hàng mà cả y tế, giáo dục, giao thông, môi trường… Bộ TTTT cũng mong muốn ngân hàng nhà nước sẽ có các chính sách quản lý đột phá, sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng dựa trên công nghệ số và ngược lại.

Bàn về vấn đề này, ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết trong xu hướng phát triển công nghệ, các ngân hàng hiện nay cũng đã đẩy mạnh số hóa ngân hàng để phát triển ngân hàng số thông minh, nắm bắt kịp theo Fintech. Đây không chỉ xem là sự thay đổi thức thời mà đó còn là chiến lược phát triển của các ngân hàng trong tương lai. Để thực hiện, các ngân hàng buộc phải liên tục nâng cấp công nghệ, kỹ thuật hạ tầng, quy trình số hóa, quản trị thông minh dựa trên công nghệ… Trong quá trình thực hiện, việc hợp tác với các công ty công nghệ cũng như các giải pháp thực hiện ngân hàng số là điều kiện không thể tách rời.

Vừa qua NHNN cũng trình Chính phủ đề án cơ chế thử nghiệm cho công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới khi được Chính phủ phê duyệt. Thông qua hội thảo này, NHNN mong muốn sẽ có những thông tin chuyên sâu và sự hợp tác trong thời gian tới.

Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có 154 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech và 70% trong số đó là các công ty khởi nghiệp. Đáng chú ý, Fintech góp phần thúc đẩy tăng tốc thanh toán không dùng tiền mặt qua internet banking và Mobile banking. Dự kiến, doanh thu từ các Fintech năm 20120 đạt khoảng 9 tỷ USD. Trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh muốn trở thành trung tâm tài chính của khu vực, hội thảo Toàn cảnh CNTT – TT sẽ là nơi để các chuyên gia, diễn giả trao đổi, đưa ra những giải pháp tốt nhất để ngành Fintech phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, hội thảo có các chuyên đề như: Ngân hàng số - xu hướng tất yếu của các ngân hàng; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam; hoàn thiện ngân hàng số 3.0 và hướng tới 4.0; TP Hồ Chí Minh và tiềm năng trở thành Fintech Hub; Fintech và sự thay đổi của công nghệ, dịch vụ thanh toán…
Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức