07:18 19/07/2022

Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng

Chiều 19/7, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp - đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW Nguyễn Duy Hưng và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung đồng chủ trì hội thảo.

Ông Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để vùng đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh mẽ, đi đầu cả nước và là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW là cơ sở quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh theo hướng bền vững của vùng đồng bằng sông Hồng. Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết và 11 năm thực hiện Kết luận, kinh tế - xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; phát huy vai trò là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung: Công tác ban hành và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và bố trí nhân lực cho phát triển đô thị của các địa phương thời gian qua, đặc biệt là kết nối chiến lược quy hoạch đầu tư, tính đồng bộ thống nhất về thể chế pháp luật giữa phát triển công nghiệp, đô thị với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội khác; phân tích thực trạng các điểm nghẽn, nút thắt cần được xử lý để phát triển công nghiệp đô thị vùng đồng bằng sông Hồng; dự báo các tác động tích cực, tiêu cực của tình hình thế giới, trong nước đến phát triển công nghiệp, đô thị vùng thời gian tới… Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất các chủ trương, định hướng về quy hoạch, cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp và đô thị thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội vùng một cách thiết thực, hiệu quả.

Đề xuất giải pháp phát triển hệ thống đô thị vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đề nghị cần đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, quy hoạch vùng Thủ đô, quy hoạch tỉnh để tái cấu trúc hệ thống đô thị phù hợp xu thế phát triển liên kết lãnh thổ, hành lang kinh tế, mạng lưới hạ tầng trong khu vực giữa đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan, Singapore, với khối châu Á - Thái Bình Dương; đổi mới hệ thống pháp luật, hoàn thiện hệ thống Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn; xây dựng chính quyền vùng đồng bằng sông Hồng tự chủ và hiện đại…

Chia sẻ về việc phát triển công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định phương hướng phát huy lợi thế vùng thúc đẩy cơ cấu lại các ngành kinh tế, vùng đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại như điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, ngân hàng, tài chính, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu; mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Vì vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề xuất chú trọng huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; tập trung phát triển nguồn nhân lực song song với tái cơ cấu các ngành công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng hiệu quả, bền vững; phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghiệp sạch, xanh, công nghiệp vừa và nhỏ với mô hình quản lý, liên kết kinh tế hiệu quả, bền vững trên địa bàn vùng…

Chú thích ảnh
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Kết luận tại hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng ghi nhận và đánh giá cao tham luận của các đại biểu, qua hội thảo cung cấp thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị, là cơ sở giúp Ban Chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua trên tinh thần kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, Kết luận số 13-KL/TW để củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Duy Hưng đề nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình và giai đoạn phát triển mới; Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ biên tập chắt lọc kết quả hội thảo để lựa chọn, tổng hợp đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới.

Thái Hùng (TTXVN)