05:07 22/05/2014

Phát triển cây cao su ở Lai Châu - Bài cuối

Mặc dù cây cao su được trồng hơn 6 năm tại Lai Châu, nhưng đây vẫn là một loại cây trồng mới. Do chưa được tập huấn nên kinh nghiệm trồng, chăm sóc và khai thác của người dân còn hạn chế.

Mặc dù cây cao su được trồng hơn 6 năm tại Lai Châu, nhưng đây vẫn là một loại cây trồng mới. Do chưa được tập huấn nên kinh nghiệm trồng, chăm sóc và khai thác của người dân còn hạn chế.

 

Công nhân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây cao su.

Hiện tại, cây cao su ở Lai Châu được tổ chức sản xuất cả đại điền lẫn tiểu điền, trong đó đại điền chiếm 10.600 ha, được 3 công ty tham gia đó là Công ty cổ phần Cao su Lai Châu, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu 2 và Công ty cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lai Châu. Diện tích cao su tiểu điền tập trung tại các huyện Phong Thổ (hơn 1.280 hộ trồng, với trên 420 ha), Nậm Nhùn (trồng 105 ha).


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, người dân đã tiến hành khai thác diện tích cao su tiểu điền được trồng từ năm 2006, 2007 với diện tích khai thác gần 45 ha, của 96 hộ gia đình ở huyện biên giới Phong Thổ. Do trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến mủ nên người dân địa phương nơi đây đành phải bán mủ sơ chế sang Trung Quốc.

 

Người dân nhận phân bón cây cao su.


Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu cho rằng: “Việc khai thác không đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng mủ và ra mủ của cây. Hiện nay, do diện tích tiểu điền nằm gần Trung Quốc, nên kỹ thuật khai thác của người dân cũng học theo cách khai thác của Trung Quốc, nghĩa là cạo hướng từ dưới lên, trong khi kỹ thuật khai thác ở Việt Nam là cạo hướng từ trên xuống. Hơn nữa, việc bán sang thị trường nước ngoài cũng rất bấp bênh về giá, mỗi năm bà con thường bị tư thương ép giá thu mua, nên ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân có cao su tiểu điền”.


Hiện nay, hơn 11.000 ha cây cao su được trồng chủ yếu ở các xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Lai Châu. Ở những khu vực này, hệ thống đường giao thông phục vụ cho nuôi trồng và sản xuất chưa phát triển đang là rào cản lớn cho việc canh tác cơ giới cây cao su.

 

Những giống cây cao su được vận chuyển đến các đội cao su.


Ông Lê Tiến Tình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Lai Châu phân tích: “Do cấu tạo địa hình ở Lai Châu nên vào mùa mưa, các khu vực trồng cao su thường hay xảy ra lún sụt, sạt lở, đi lại rất vất vả. Điều này ảnh hưởng đến công tác đo đạc, nhận đất và tiến độ trồng mới. Đây cũng là nguyên nhân đẩy suất đầu tư và giá thành sản xuất lên cao”.


Lai Châu là tỉnh còn nhiều khó khăn với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi hơn 90% công nhân làm việc tại các công ty cao su là người địa phương. Do vậy, mặt bằng trình độ dân trí thấp cũng đang là rào cản không nhỏ đến tập huấn, đào tạo kỹ thuật khai thác, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động. Điều này kéo theo việc đào tạo công nhân, lao động chậm, không chủ động được nguồn lao động.


Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng cao su đại điền đến năm 2020, tỉnh Lai Châu sẽ xây dựng 5 vùng, với 7 nhà máy chế biến mủ cao su nằm rải rác tại các huyện để tiện cho việc chế biến. Khi những nhà máy này đi vào hoạt động, cộng với các công trình hạ tầng thiết yếu vùng cao su như điện, nước, đường giao thông... chắc chắn sẽ là động lực góp phần đưa kinh tế Lai Châu tăng trưởng nhanh chóng. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây có thêm cơ hội để cái đói, cái nghèo không còn đeo bám.


Bài và ảnh: Quang Duy