08:11 04/08/2019

Phát triển BHXH tự nguyện có chuyển biến tích cực

BHXH tự nguyện hướng tới lao động khu vực phi chính thức khi hết tuổi lao động sẽ có lương hưu để ổn định cuộc sống. Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị- xã hội, Tổng công ty bưu điện Việt Nam, việc thu hút số người tham gia BHXH tự nguyện đã có chuyển biến tích cực.

Mục tiêu 5% lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện

Hơn 10 năm qua, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện theo 2 giai đoạn, với những quy định khác nhau. Giai đoạn đầu thực hiện theo Luật BHXH 2006 (Luật số 71/2006/QH11); giai đoạn tiếp theo thực hiện theo Luật BHXH năm 2014 (Luật số 58/2014/QH13). Quy định về BHXH tự nguyện tại Luật BHXH năm 2014 là sự tổng kết kinh nghiệm 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2006, trên cơ sở đó có những sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng diện bao phủ BHXH đến người lao động thuộc mọi khu vực của nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Người dân tìm hiểu và tham gia BHXH tự nguyện

Tuy nhiên, sau 10 năm, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Có thể thấy, tỉ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, là do chính sách này chưa thực sự tạo hấp dẫn cho người dân, trong khi mặt bằng thu nhập của nhiều người còn thấp, thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm). Bên cạnh đó, còn do chưa có những giải pháp đột phá trong tiếp cận, vận động người dân, chưa có cơ chế hoa hồng đủ sức hấp dẫn các đại lý thu, việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) dù có những bước tiến nhưng chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận thông tin và đăng ký tham gia…

Chính vì vậy, Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%. Cùng với Nghị quyết 28-NQ/TW, Chính phủ cũng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với khả năng của Ngân sách Nhà nước (NSNN); thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt đáp ứng nhu cầu của người dân; gắn quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước; giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cho các địa phương; chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu; tiếp tục CCHC và tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác thu BHXH tự nguyện...

Để triển tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể có vai trò quan trọng để các đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của các đại lý thu, qua đó thông tin một cách đầy đủ, chính xác về chính sách, pháp luật BHXH tới mọi người dân.

Sự phối hợp của các cấp, các ngành

Có thể thấy, chính sách BHXH tự nguyện đã và đang được người dân đón nhận tích cực. Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH- đây là cơ hội để ngành BHXH thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Về phía ngành BHXH, các đơn vị đã có nhiều giải pháp như đưa vào tiêu chí thi đua; đưa ra nhiều gói tỉ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển BHXH bền vững và lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ nhân viên đại lý thu...

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và chủ động đăng ký tham gia. Mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện cho các nhân viên đại lý thu, để lực lượng này phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến từng người dân. Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu. Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, đến hết tháng 6/2019, toàn quốc đã có 405.695 người tham gia BHXH tự nguyện.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, trong thời gian qua, chính sách an sinh xã hội đã được Đảng và Nhà nước quan tâm một cách sâu sắc, toàn diện và hài hòa hơn và được thực hiện đồng bộ với mục tiêu phát triển kinh tế. Đặc biệt, có một vấn đề mới, đó là trong 6 tháng qua, mô hình phát triển BHXH tự nguyện đã đạt kết quả rất tốt, với 135.000 người tham gia mới và dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có khoảng 490.000 người tham gia.

Với quyết tâm rất cao, sự phối hợp của ngành BHXH Việt Nam với ngành LĐ-TB&XH và đóng góp của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng như sự hỗ trợ trực tiếp từ các địa phương, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện lên bằng 10 năm qua.

 

Bài và ảnh: Diệu Linh