05:09 27/05/2011

Phát triển bền vững tài nguyên nước sông Mê Công

Đây là nội dung mà các nhà khoa học tập trung thảo luận tại cuộc Tọa đàm Mở "Thủy điện dòng chính sông Mê Công dưới góc nhìn phát triển bền vững", do Hội Đập Lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tổ chức ngày 26/5, tại Hà Nội...

Đây là nội dung mà các nhà khoa học tập trung thảo luận tại cuộc Tọa đàm Mở "Thủy điện dòng chính sông Mê Công dưới góc nhìn phát triển bền vững", do Hội Đập Lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tổ chức ngày 26/5, tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện các hội nghề nghiệp, cơ quan sự nghiệp, cơ quan quản lý, chuyên gia độc lập, các doanh nghiệp xây dựng thủy điện tại Lào, Campuchia và các cơ quan truyền thông trong nước.


Ảnh internet



GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập Lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết: Sông Mê Công là sông quốc tế lớn chảy qua 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Từ năm 1957, bốn quốc gia là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã bắt đầu thực hiện hợp tác nhằm phối hợp nghiên cứu hạ lưu sông Mê Công. Năm 1995, sự hợp tác trong Ủy Hội sông Mê Công-MRC đạt khung pháp lý chính thức với Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công. Đến năm 2010, lần đầu tiên có hội nghị thượng đỉnh Mê Công, tại đó 4 Thủ tướng đã cam kết tăng cường hợp tác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước vì lợi ích chung của các nước ven sông; tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do thiên nhiên và con người gây ra; bảo vệ giá trị lớn lao các hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái.

Các tham luận được trình bày tại cuộc Tọa đàm Mở đã nêu lên những giải pháp khả thi có thể giúp các quốc gia hạ lưu sông phát triển tài nguyên nước Mê Công một cách bền vững, cũng như gợi mở những vấn đề cần phải tập trung nghiên cứu cho Đồng bằng sông Cửu Long và châu thổ sông Mê Công, để tham gia chủ trương về thủy điện dòng chính trên sông này...

Các nhà khoa học tham dự cuộc Tọa đàm Mở đánh giá cao việc nước bạn Lào đã quyết định tạm dừng dự án thủy điện Xayaburi dòng chính hạ lưu vực Mê Công. Bởi đây là cơ hội để các cơ quan chức năng của hai nước Lào và Việt Nam phối hợp nghiên cứu chung, thúc đẩy nghiên cứu trong khuôn khổ Ủy Hội sông Mê Công và có thể cùng mời các nhà khoa học quốc tế có uy tín và kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu, để có đủ cơ sở khoa học vững chắc làm căn cứ cho các quyết định tiếp theo về thủy điện dòng chính sông Mê Công.

Văn Hào