03:19 23/03/2020

Phát triển bền vững nghề cá - Bài 2: Chuyển hướng sản xuất

Mặc dù nghề nuôi biển chỉ mới phát triển và mở rộng trong 10 năm trở lại đây, nhưng nhiều ngư dân nhận thấy tiềm năng, triển vọng và lợi nhuận mang lại từ nuôi biển là rất tốt.

Chú thích ảnh
Nuôi cá lồng bè trền vùng biển đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Từ đó, các ngư dân khai thác xa bờ nhưng có hiệu quả thấp cũng dần chuyển hướng để có thể sản xuất ổn định, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chính vì sự mới mẻ này mà nuôi biển vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

Vẫn còn những khó khăn

So với tiềm năng mặt nước hiện có, nghề nuôi biển của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Theo Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính đến hết năm 2019, tổng diện tích nuôi hải sản trên biển và quanh vùng nước quanh các hải đảo khoảng 250.000 ha. Trong tổng diện tích này, có hơn 150.000 ha nuôi vùng bãi triều ven biển, nuôi vũng vịnh, eo ngách hơn 80.000 ha, nuôi vùng biển hở gần 20.000 ha. 

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, các địa phương ven biển ở nước ta có tiềm năng nuôi thủy sản biển rất lớn, song hiện các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này. Ông Nguyễn Bá Sơn, Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho biết, khó khăn nhất hiện nay đối với nuôi biển là đa số còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết. Điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch tại các vùng nuôi.

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện nghề nuôi biển của tỉnh Kiên Giang vẫn còn nhỏ lẻ, với công nghệ lạc hậu. Các hộ nuôi biển chủ yếu tự chế khung, lồng bằng cây, không đảm bảo độ an toàn khi có sóng to, gió lớn. 

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất giống thủy sản nuôi biển còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm, đặc biệt là chưa sản xuất được giống tôm hùm. Nguồn tôm hùm giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên, song sản lượng khai thác ngày càng giảm.

Nếu năm 2015 chỉ khai thác được khoảng 1,4 triệu con, đến năm 2018 còn khoảng 270.000 con. Do lượng con giống tôm hùm khai thác giảm, trong khi nhu cầu giống để nuôi tăng cao nên những năm gần đây, tôm hùm giống chủ yếu nhập từ các nước Philippines, Malaysia, Indonesia.

Trong khi đó, công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với điều kiện thời tiết, sóng biển. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Đối với thức ăn cho thủy sản nuôi, hầu hết người nuôi sử dụng cá tạp nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Dịch bệnh tại hầu hết các vùng nuôi chưa được kiểm soát. Trong khi hiện nay, môi trường vùng ven biển ở nhiều địa phương bị ô nhiễm nặng do tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo ý kiến của một số chuyên gia trong và ngoài nước, để tăng mạnh được sản lượng, phải mạnh dạn phát triển nuôi xa bờ thay vì chỉ nuôi ven bờ như hiện nay. Ông Lucas Manomaitis, Giám đốc Kỹ thuật nuôi khu vực Đông Nam Á thuộc Hiệp hội xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ - chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi thuỷ sản cho hay, nuôi ven bờ đang ngày càng chịu áp lực bởi ô nhiễm môi trường, sự phát triển của các khu dân cư ven biển… nên sẽ không còn phù hợp trong tương lai.

Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển nuôi xa bờ và có thể tiến hành nuôi quanh năm. Xa bờ không có nghĩa là nuôi giữa đại dương mênh mông mà là xác định vị trí đủ xa để có độ sâu và dòng chảy cần thiết, đủ gần với các hỗ trợ hậu cần trên đất liền và nên ở những vùng đã được định sẵn cho thủy sản.

Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư

Nhận thấy việc chuyển hướng từ khai thác, đánh bắt hải sản trên biển sang nuôi trồng trên biển mang lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần phát triển nghề cá bền vững, đảm bảo an toàn sinh thái biển, cốt lõi nhất là để ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài trong hoạt động khai thác, đánh bắt, các doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư công nghệ, thúc đẩy chuyển hướng để nghề nuôi biển phát triển mạnh. 

Là một trong những doanh nghiệp đầu tư chuyển hướng sang nuôi biển, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú (Kiên Giang) đã mạnh dạn đầu tư nuôi với 6 lồng ương cá giống và 4 lồng nuôi cá thương phẩm, tại vùng biển thuộc xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc. 

Ông Thái Tổ Trấn, Giám đốc Công ty Trấn Phú cho biết, toàn bộ lồng nuôi được nhập khẩu từ Na Uy; trong đó, lồng ương loại vuông có diện tích 5 x 5m, còn lồng nuôi cá thương phẩm loại tròn có đường kính 20m. Mỗi lồng tròn có thể nuôi được từ 25 - 30 tấn cá thương phẩm. Ưu điểm của loại lồng này là chịu được thời tiết khắc nghiệt trên biển, khung lồng bằng ống nhựa có tuổi thọ trên 35 năm, độ an toàn nuôi trên 20 năm.

Lồng nuôi chịu được sóng, gió cấp 10 và có thể xả van nhận chìm để đảm bảo an toàn khi có bão lớn. Chi phí đầu tư toàn bộ khung, lưới và dây neo… khoảng 700 triệu đồng/lồng nuôi cá thương phẩm. Với loại lồng nhập khẩu từ Na Uy, người nuôi có thể đầu tư nuôi ngoài khơi xa, hạn chế nguồn ô nhiễm. Hiện Công ty Trấn Phú đang đầu tư nuôi 2 loại cá là chim trắng vây vàng và Hồng Mỹ, với thời gian ương vèo từ 60 đến 75 ngày, sau đó chuyển lồng nuôi tiếp 6 đến 7 tháng là thu hoạch. 

Cùng với Công ty Trấn Phú, Công ty Cổ Phần Tập đoàn Mavin (Hà Nội) cũng đã nắm bắt được xu hướng phát triển nuôi trồng biển, tiến hành triển khai dự án nuôi cá biển quy mô lớn tại Kiên Giang, ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại của châu Âu để sản xuất các loại cá biển chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo đại diện Tập đoàn Mavin, Mavin đầu tư nuôi biển tại Kiên Giang trên tổng diện tích là 2.000 ha mặt nước, với sản phẩm nuôi trồng là các loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá vược, cá song, cá chim vây vàng… Với mức đầu tư này, Mavin có thể sản xuất 30.000 tấn cá biển các loại mỗi năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 30 triệu USD, dự kiến sẽ chính thức đi vào vận hành ổn định từ năm 2021.

Theo đó, Tập đoàn Mavin sẽ sử dụng toàn bộ công nghệ nuôi biển hiện đại của thế giới với công nghệ lồng nuôi biển của Na Uy, công nghệ cho ăn, kiểm soát nuôi của Pháp và công nghệ thu hoạch cá của Australia. Đây là dự án nuôi biển phục vụ xuất khẩu, nên Tập đoàn Mavin cũng đặc biệt chú trọng vào việc kiểm soát môi trường nuôi và truy xuất nguồn gốc xuất xứ, giúp việc xuất khẩu cá của dự án được thuận lợi, đáp ứng được đầy đủ các khuyến nghị của Cộng đồng châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).

Bài cuối: Quy hoạch chặt chẽ

Hồng Nhung – Thanh Trà (TTXVN)