03:18 23/03/2020

Phát triển bền vững nghề cá - Bài 1: Giá trị kinh tế cao

Nghề đánh bắt hải sản bao năm qua đã mang lại nguồn sống, giúp ngư dân ven biển của Việt Nam ổn định đời sống.

Chú thích ảnh
Tàu cá trên vùng biển đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản trên biển ở Việt Nam có những bước tiến đáng kể, diện tích và sản lượng không ngừng tăng lên. Đây là dấu hiệu khả quan để nghề nuôi cá biển ở Việt Nam có thể thay thế việc khai thác gần bờ, khai thác theo kiểu "tận diệt" sang hình thức nuôi trồng trên biển bền vững hơn.

Đồng thời, hình thức chuyển đổi này cũng góp phần đưa ngành khai thác, chế biến tiến gần đến việc tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU của Ủy ban châu Âu. Từ đó, giúp Việt Nam sớm được gỡ bỏ "thẻ vàng IUU". 

Bài 1: Giá trị kinh tế cao

Thế nhưng, với xu thế phát triển của thế giới, tiêu dùng gắn liền với bảo vệ môi trường, khai thác quá mức trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc khai thác bền vững gắn với nuôi trồng đang là đòi hỏi bức thiết để phát triển bền vững hơn cho nghề cá ở Việt Nam. 

Sử dụng lợi thế mặt nước biển

Các địa phương ven biển như Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau... đang tận dụng tối đa mặt nước biển ven bờ vào việc nuôi trồng hải sản. Tính đến hết năm 2019, thống kê của Tổng cục thủy sản cho thấy, Việt Nam có khoảng  500.000 ha mặt nước giàu tiềm năng nuôi trồng hải sản. Từ năm 2010 đến nay, diện tích và sản lượng nuôi biển tăng trên 20%/ năm. Năm 2019, có trên 5 triệu m3 lồng nuôi với sản lượng hơn 500.000 tấn hải sản. Hiện nay, đa số diện tích nuôi biển là nhuyễn thể và giáp xác, các loại cá biển…

Trước tình trạng khai thác gần bờ quá mức trong nhiều năm liền làm cho đa dạng loài trên biển không còn phong phú như trước. Cùng với tiềm năng mặt nước hiện có, nhiều ngư dân Cà Mau, Kiên Giang đã chuyển sang nuôi hải sản lồng, bè trên biển.

Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 4.300 lồng bè nuôi cá trên biển. Đối tượng nuôi phổ biến là cá bóp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, ngọc trai và một số loài nhuyễn thể.

Qua tìm hiểu, đa số người nuôi đều sử dụng lồng bè kiểu truyền thống, cho ăn bằng thức ăn tươi sống (cá tạp). Tận dụng môi trường sinh thái biển thuận lợi, người dân thả nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá bóp, cá mú đen, cá mú sao…

Chú thích ảnh
Nuôi các lòng bè trên vùng biển An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Ông Phan Nhâm Dần, ấp Bãi Chướng, xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc, Kiên Giang hiện có 10 bè nuôi cá bóp trên biển (16m2/bè nuôi 100 con). Theo ông Dần, điều kiện môi trường nước trong lành, không bị ô nhiễm nên cá lớn rất nhanh, nguồn thức ăn tự nhiên cho cá khá rẻ được mua trực tiếp từ các tàu đánh bắt trên biển.

Từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch là 12 tháng, cá sinh trưởng tốt đạt 9-10 kg/con, tỷ lệ hao hụt thấp. Nhờ đầu ra ổn định, với giá bán 110.000-120.000 đồng/kg, lợi nhuận mỗi bè khoảng 50 triệu đồng/vụ.

Khác với Kiên Giang, diện tích các đảo ở Cà Mau không lớn, khó phát triển nuôi trồng thủy sản, riêng đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời có điều kiện nguồn nước trong lành có thể nuôi trồng hải sản.

Ông Lê Văn Phương sinh sống trên đảo Hòn Chuối trước kia sống bằng nghề đánh bắt, nhưng nay chuyển sang nuôi cá lồng bè. Là một trong những ngư dân đầu tiên trên đảo thử nghiệm mô hình nuôi cá bóp lồng, sau thời gian đầu thả nuôi, cá lớn rất nhanh, tỷ lệ cá sống đạt trên 98%.

Tuy nhiên, theo ông Phương, để đầu tư một bè nuôi cá diện tích 16m2, chi phí khoảng 150 triệu đồng, nguồn vốn là trở ngại đối với người nuôi cá muốn mở rộng quy mô.

Gắn liền với tiêu thụ ổn định

Là địa phương đầu tiên trong 28 tỉnh có biển, tỉnh Kiên Giang đã có bước chuyển biến đột phá trong chuyển đổi sang nuôi biển. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển khai thác tiềm năng nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tăng thu nhập cho người dân vùng biển đảo, góp phần phát triển kinh tế biển.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chia sẻ, trước mắt, tỉnh lập đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, hiệu quả đến năm 2030, đánh giá đúng, đủ các nguồn lực phát triển nuôi biển của địa phương trong mối liên hệ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển đảo. Xây dựng các phương án nuôi biển cụ thể, hiệu quả gắn với những giải pháp đồng bộ khả thi; kết hợp phát triển nuôi biển với dịch vụ thủy sản và du lịch. 

Trong nhiều loại thủy sản được nuôi trên biển, cá biển là đối tượng nuôi chính theo hình thức nuôi lồng bè trên biển. Vùng nuôi tập trung quanh các đảo thuộc các huyện Phú Quốc, Kiên Hải và một số xã đảo của huyện Kiên Lương, thành phố Hà Tiên, với các loại như: cá bóp, cá mú, cá chim trắng, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá cam… Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 3.464 lồng nuôi cá trên biển, với sản lượng hơn 3.500 tấn, đạt hơn 80% kế hoạch năm và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Để có thể phát triển nghề nuôi biển, người nuôi cần có nguồn thu nhập ổn định; trong đó, khâu thu mua sản phẩm, liên kết tiêu thụ là một khâu không thể thiếu.

Theo ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang, để giúp nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát huy hiệu quả, tỉnh Kiên Giang đã triển khai áp dụng công nghệ nuôi mới của các nước phát triển, kết hợp với lợi thế mặt nước biển sẵn có.

Bên cạnh đó, triển khai chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư ngành thủy sản, mở rộng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đồng thời, phát triển thủy sản phải gắn với tái cấu trúc lại ngành, tuyệt đối không khai thác thủy sản bất hợp pháp, đảm bảo năng suất, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trên thị trường...

Cụ thể, tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện về cơ chế, chính sách vận hành cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư nuôi biển số lượng lớn thuận lợi trong khâu vận chuyển, tiêu thụ cá thương phẩm, liên kết thu mua cá thương phẩm của người nuôi biển.

Theo đó, các doanh nghiệp và người nuôi cũng đề xuất nguyện vọng các ngành chức năng tạo điều kiện cho tàu thu mua của nước ngoài vào vùng biển Kiên Giang, thu mua cá thương phẩm còn sống, vận chuyển đi tiêu thụ ở các nước trong khu vực và các thị trường lớn, khó tính. Bởi khi thực hiện nuôi biển, ngư dân thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, đáp ứng đúng tiêu chí chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp theo quy định của Ủy ban châu Âu.

Bài 2: Chuyển hướng sản xuất

Hồng Nhung – Thanh Trà (TTXVN)