08:11 07/08/2018

Phát tán clip nhạy cảm, không loại trừ cơ sở kinh doanh lợi dụng scandal để PR

Những ngày qua, mạng xã hội liên tục dậy sóng với những clip, hình ảnh nhạy cảm của các đôi nam nữ có hành động thân mật quá đà tại rạp chiếu phim hay quán trà sữa... Vậy, người phát tán clip và người có hành vi phản cảm tại nơi công cộng có bị xử phạt? Luật gia Đặng Văn Thành, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, liên tiếp thời gian qua có những clip nhạy cảm về sự thân mật quá đà của giới trẻ nơi công cộng bị tung lên mạng xã hội. Dư luận đang thắc mắc, liệu các cửa hàng kinh doanh, rạp chiếu phim có được quay camera và có cần thiết phải cảnh báo cho khách hàng để người dân có ý thức hơn trong hành vi ứng xử?

Luật gia Đặng Văn Thành- Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Việc lắp đặt camera trong khuôn viên cơ sở kinh doanh thuộc sở hữu của chính mình (ví dụ như vụ việc tại rạp chiếu phim hay quán trà sữa là nhằm mục đích giám sát an ninh) không bắt buộc phải cảnh báo cho khách hàng. Tuy nhiên, trước sự việc các clip “nhạy cảm” của khách hàng bị phát tán lên mạng xã hội ngoài ý muốn như vừa qua, thì các cơ sở kinh doanh nên có quy định nội bộ (nội quy) công bố rõ khả năng các dữ liệu theo dõi từ camera an ninh lắp đặt tại cơ sở kinh doanh có thể được cung cấp cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu hợp pháp theo quy định pháp luật.

Các khách hàng được tiếp cận nội quy, hiểu rõ và vẫn đồng ý sử dụng dịch vụ (như xem phim, uống trà sữa) thông qua việc mua vé và gọi đồ uống…đương nhiên được hiểu là đã chấp nhận thỏa thuận. Tôi xin lưu ý: các dữ liệu từ camera an ninh chỉ được sử dụng để phục vụ các mục đích hợp pháp mà không có nghĩa là được phát tán lên mạng xã hội, kể cả đã có cảnh báo trước cho khách hàng về việc cơ sở kinh doanh có lắp đặt camera.

Quay trở lại vụ việc đang gây xôn xao trên cộng đồng mạng là lộ diện clip, hình ảnh của đôi nam nữ có những động tác nghi là cảnh “mây mưa” diễn ra trong quán trà sữa tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), được camera an ninh của quán ghi lại. Theo ông, người đăng clip trên mạng xã hội có bị vi phạm pháp luật hay không? 

Người nào đó, nếu đăng hình ảnh khách hàng từ dữ liệu camera giám sát lên mạng xã hội, dù với động cơ gì nếu không nhận được sự đồng ý của người có hình ảnh liên quan và gây tổn hại danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của khách hàng thì có thể đã vi phạm pháp luật, nếu hành vi đó bị phát giác.

Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân (như các clip mà Nhà báo đề cập), được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 32, Điều 34 và Điều 38 của Bộ luật dân sự hiện hành.

Nếu bị truy tố với tội danh tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, quy định theo điều 326 bộ luật Hình sự, thì đối tượng đăng tải clip đôi nam nữ "mây mưa" trong quán trà sữa có thể bị phạt tới 15 năm tù.

Trường hợp người phát tán clip không chủ ý truyền bá "đồi trụy", mà nhằm gây hại cho nạn nhân bằng cách bêu riếu thì sẽ thuộc tội "làm nhục người khác" với hình phạt cho tội này từ 3-5 năm, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng.

Vụ việc đôi nam nữ quan hệ ở mức quá đà như trong clip, ảnh tại rạp chiếu phim hay quán trà sữa gần đây được xem là hành vi không thể chấp nhận. Luật pháp Việt Nam đã có những chế tài, quy định ra sao để xử phạt hành vi này? Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nạn nhân trong clip sẽ phải làm gì, thưa ông?

Việc có những hành vi, biểu hiện quá mức thân mật (dễ gây nhầm lẫn là quan hệ sinh lý) tại nơi công cộng, rõ ràng là không nên có trong xã hội Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, các nhà lập pháp chưa thiết kế một Điều luật quy định riêng cho vấn đề này, ngoại trừ có thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính do vi phạm nếp sống văn minh đô thị.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các khách hàng trước hết không nên lựa chọn nơi công cộng như rạp chiếu phim, cửa hàng trà sữa… để làm nơi biểu lộ tình cảm, thực hiện các hành vi thân mật thái quá, dễ gây hiểu lầm là quan hệ sinh lý.

Bởi vì, ngay cả khi cơ sở kinh doanh không lắp đặt hệ thống camera giám sát thì với sự phổ biến của điện thoại thông minh có gắn camera và trình độ công nghệ như hiện nay, chỉ cần trong vài giây thì hình ảnh “nhạy cảm” của bạn đã có thể xuất hiện trên không gian mạng để chia sẻ cho hàng triệu người xem.

Trong trường hợp không may vô tình trở thành nạn nhân như ví dụ trong các clip nhạy cảm bị tung lên mạng xã hội vừa qua, người có hình ảnh bị lạm dụng có thể trực tiếp yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ chấm dứt hành vi xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Nếu không được đáp ứng và trong trường hợp chứng minh được mức độ ảnh hưởng từ hành vi trên của cơ sở kinh doanh đối với danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của bản thân, nạn nhân có thể thực hiện khởi kiện ra tòa án để được bảo vệ theo quy định pháp luật.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ, trước mỗi một hiện tượng “lạ”, “nóng” trong xã hội, gây ồn ào trong công luận như vừa qua, thiết nghĩ các cơ quan truyền thông và cư dân mạng cũng nên có thái độ bình tĩnh, thông tin có chọn lọc và có chủ đích để định hướng dư luận, vừa có tác dụng giáo dục, vừa tránh lặp lại các hiện tượng thiếu lành mạnh trong đời sống.

Theo quan điểm cá nhân, không loại trừ khả năng các cơ sở kinh doanh (hoặc những cá nhân liên quan) đã cố tình tạo ra sự kiện “nóng” theo cách đó để thu hút sự chú ý của cư dân mạng và lợi dụng vụ việc để được nổi tiếng, phục vụ ý đồ PR thiếu trong sáng?

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức