12:13 29/12/2021

‘Phát minh lại ô tô’ – Cuộc đua độc quyền tiếp theo của các đại gia công nghệ thế giới

Sau cuộc đua với điện thoại thông minh, các “đại gia” công nghệ thế giới đang dồn sức vào cuộc đua mới: tích hợp công nghệ trên ô tô để “phát minh lại” phương tiện quen thuộc này.

Khi hãng ô tô Ford thông báo rằng bắt đầu từ năm 2023, ô tô và xe tải Ford sẽ được cài đặt sẵn Google Maps, trợ lý ảo và Play Store, Giám đốc điều hành Jim Farley đã gọi sự hợp tác giữa Ford và Google là cơ hội để “phát minh lại” ô tô, biến nó trở thành văn phòng trên bánh xe, với nhiều kết nối hơn bất kỳ điện thoại hoặc máy tính xách tay nào.

Theo tờ Politico, thỏa thuận 6 năm với Google  đã mang lại lợi thế cho cả Ford và Google.  

Có thể nói cuộc chiến quanh điện thoại thông minh đã kết thúc với phần thắng thuộc về Google và Apple. Giờ đây, Google, Apple  và Amazon đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát trên trong chiếc ô tô. Cả ba đều coi ô tô là cơ hội tuyệt vời tiếp theo để tiếp cận người tiêu dùng Mỹ. 

Các công ty công nghệ và nhà sản xuất ô tô hình dung ra một tương lai mà người lái xe có thể kết hợp nhuần nhuyễn giữa công việc, vui chơi và việc nhà, dễ dàng đặt hàng, lên lịch làm việc hoặc xem TV thoải mái trên ô tô. 

Jim Heffner, Phó chủ tịch của Cox Automotive Mobility, cho biết: “Chuyến đi xe không còn là vấn đề quan trọng nữa. Dữ liệu chính là thứ quan trọng… Apple và Google và những người khác muốn trở thành tâm điểm của điều đó.”

Cuộc tìm kiếm công nghệ tối ưu trên ô tô

Các nhà sản xuất ô tô thiết kế xe từ 3 đến 5 năm rồi sau đó xe mới được bán ra thị trường. Vì thế, ô tô tụt hậu rất nhiều so với tốc độ đổi mới công nghệ. 

Chú thích ảnh
CarPlay của Apple trên ô tô. Ảnh: Pocket-lint

Các nhà sản xuất ô tô đã “nhường” chức năng giải trí trên ô tô cho điện thoại thông minh, cho phép khách hàng sử dụng công nghệ điện thoại ưa thích của họ khi lái xe. Gần như tất cả ô tô ngày nay đều hỗ trợ CarPlay của Apple hoặc Android Auto của Google khi cho phép những tính năng này trên điện thoại thông minh kết nối với hệ thống của xe. 

Apple lần đầu tiên công bố CarPlay vào năm 2014, và Google cũng ra mắt Android Auto vào năm sau. Người lái xe có thể gọi điện thoại, nghe nhạc hoặc phát trực tuyến Netflix, nhưng tất cả diễn ra trên điện thoại và được phát qua loa và màn hình trên ô tô.

Giờ đây, các công ty công nghệ đang tìm cách xây dựng phần mềm cho chính chiếc xe ô tô.

Năm 2015, Google và Ford lần đầu tiên bắt đầu thảo luận về mối quan hệ hợp tác để ghép nối phần mềm của Google với ô tô của Ford. Nhưng thỏa thuận đã thất bại do các bên tranh cãi về bản quyền.

Trong khi đó, Google tiếp tục mở rộng các dịch vụ Android cho ô tô. Volvo, Stellantis và General Motors đều đạt được thỏa thuận với Google.

Giống như trên điện thoại thông minh, các nhà sản xuất có thể chỉ cần sử dụng hệ điều hành Android làm phần mềm cơ bản cho thiết bị giải trí. Nhưng nếu họ muốn một số sản phẩm phổ biến hơn của Google - như Google Maps hoặc trợ lý giọng nói của Google - thì họ phải ký hợp đồng với Google.

Công ty cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô một gói được gọi là Dịch vụ Ô tô của Google. Ví dụ: để có quyền truy cập vào Google Maps, một nhà sản xuất ô tô cũng phải đồng ý sử dụng Play Store của Google và trợ lý giọng nói.

Honda, Volvo và Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi đều đã đồng ý với gói này, trong khi Chrysler, Jeep và Plymouth chỉ sử dụng hệ điều hành Android nhưng lại chọn Alexa của Amazonlàm trợ lý giọng nói chính và TomTom để điều hướng.

Với General Motors, bắt đầu từ những mẫu xe năm 2022, những chiếc xe của hãng sẽ sử dụng Google. 

Ford đã ký thỏa thuận yêu cầu các kỹ sư của mình làm việc trực tiếp với các nhà thiết kế phần mềm Google để nhúng công nghệ vào xe phục vụ mục đích điều hướng và giải trí.

Sự tham gia của Google và Apple

Sự tham gia của Google vào hệ sinh thái ô tô ngày càng lan rộng đến mức một tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu trong ngành ô tô, Liên minh Hệ thống Xe Kết nối, đã thông báo vào tháng 10 rằng họ đang làm việc để tạo ra các tiêu chuẩn quốc tế cho việc tích hợp phần mềm của ô tô với Android.

Chú thích ảnh
Android Auto của Google trên ô tô. Ảnh: Smart living

Waymo – thuộc công ty mẹ của Google là Alphabet - vào năm 2016 đã bắt đầu cung cấp dịch vụ taxi tự lái ở Chandler, Arizona. Mùa hè này, công ty đã mở rộng dịch vụ đến San Francisco. 

Công ty tự lái Waymo cũng có quan hệ đối tác với Volvo, Chrysler, Jaguar Land Rover và Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi để đưa công nghệ của họ vào ô tô, mặc dù chưa có sản phẩm nào được tung ra thị trường.

Trong khi đó, Apple có “Dự án Titan” được thực hiện từ năm 2014 dù đã bị đình trệ vài lần. Không mấy ai biết về dự án ô tô này của Apple, chỉ biết Tổng giám đốc điều hành Tim Cook đã thừa nhận vào năm 2017 rằng Apple đang nghiên cứu về công nghệ tự hành cho ô tô. 

Apple đã nộp hàng chục bằng sáng chế liên quan đến ô tô, bao gồm cả màn hình hiển thị thông tin trên kính chắn gió, túi khí và hệ thống an toàn cho hàng ghế đối diện phía sau. Sử dụng các bằng sáng chế đó, công ty cho thuê ô tô Vanarama của Anh đã xây dựng một mẫu xe hơi của Apple.

Trong những năm qua, Apple đã đàm phán với Hyundai, Nissan và Toyota để giúp sản xuất ô tô. Vào đầu năm 2020, Apple cũng đã đàm phán mua lại với công ty khởi nghiệp xe điện Canoo. Apple không sẵn sàng giao thương hiệu của họ cho người khác. Họ muốn sở hữu trải nghiệm từ đầu đến cuối.

Amazon vào cuộc

Năm 2014, Amazon đã tìm cách tham gia thị trường điện thoại thông minh với điện thoại Fire, dù thất bại khi cạnh tranh với Google và Apple. Trong khi Fire là một thảm họa thương mại, nhưng một phần của dự án vẫn tồn tại và trở thành chìa khóa cho tham vọng xe hơi của Amazon: Alexa.

Chú thích ảnh
Alexa trên ô tô Ford. Ảnh: Amazon

Phiên bản đầu tiên của Alexa Auto chỉ đơn giản là một ứng dụng điện thoại thông minh được kết nối với ô tô thông qua Car Play hoặc Android Auto. Nhưng việc truy cập vào hệ thống của ô tô thông qua Apple hoặc Google đồng nghĩa với việc hạn chế chức năng mà Alexa có thể cung cấp, vì vậy Amazon đã thay đổi chiến lược và bắt đầu làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất ô tô để tích hợp dịch vụ của mình vào ô tô.

Xe BMW và GM ra mắt với Alexa vào năm 2018 và nhiều nhà sản xuất xe hơi như Audi, Jeep và Land Rover đã bổ sung trợ lý giọng nói kể từ đó. Với Alexa được tích hợp sẵn, người lái xe có thể khóa hoặc mở khóa cửa xe từ xa, nổ máy hoặc kiểm tra nhiên liệu từ loa thông minh trong nhà. Tương tự như vậy, Alexa trong ô tô có thể kiểm tra bộ điều nhiệt và bật hoặc tắt đèn ở nhà, đồng thời cung cấp thông tin về thời tiết hoặc giúp mua sản phẩm trên Amazon.

Đối với ô tô không tích hợp Alexa, Amazon hiện cung cấp phiên bản loa Echo phổ biến dành cho ô tô.

Điều khiển bằng giọng nói đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà sản xuất ô tô, vì chúng giúp người lái không phải rời tay khỏi vô lăng hoặc không cần rời mắt quan sát đường. 

Amazon đã không thành công như Google với quan hệ đối tác với các nhà sản xuất ô tô truyền thống vì họ đang áp dụng phương pháp “kết hợp” và tập trung vào những người mới tham gia vào lĩnh vực ô tô. Mùa hè năm ngoái, Amazon đã mua lại Zoox, một công ty có trụ sở tại California chuyên xây dựng các xe taxi tự hành. Đây là ô tô 4 chỗ dành cho khách, không có tài xế và hành khách ngồi quay mặt vào nhau. Những chiếc xe này được thiết kế để lái trong không gian đô thị và công ty hy vọng sẽ sớm ra mắt dịch vụ ở San Francisco và Las Vegas.

Gã khổng lồ thương mại điện tử cũng đã đầu tư vào Rivian, một nhà sản xuất xe điện. Mối quan hệ này rất có lợi cho Amazon: Amazon có độc quyền đối với xe tải của Rivian trong bốn năm tới, mặc dù họ không bắt buộc phải mua bất kỳ chiếc xe tải nào và Amazon vẫn có quyền mua xe từ các nhà sản xuất ô tô khác.

Dù các hãng công nghệ đua nhau tích hợp công nghệ của mình trong ô tô, nhưng các nhà quản lý lại lo ngại về vấn đề quyền riêng tư khi các hãng nắm trong tay quá nhiều dữ liệu. Lịch sử lại cho thấy các “đại gia” công nghệ không mấy trách nhiệm trong các dữ liệu người dùng đó.

Thùy Dương/Báo Tin tức