08:15 06/08/2015

Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới

Các thế thệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Bộ Tư lệnh đã đoàn kết hiệp đồng, tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó, thi hài Bác được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và 40 năm ngày truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1975 - 29/8/2015), sáng 5/8, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.

Quảng trường và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh:Trọng Đức-TTXVN.


Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Người đã làm rạng rỡ dân tộc, nhân dân và non sông đất nước ta. Sự nghiệp cách mạng, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta như non cao, biển rộng.

Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Người đã đi xa nhưng để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ; một di sản quý báu vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc xây dựng Lăng của Người đã trở thành nỗi niềm mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong phiên họp ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng mộ của Người”.

Trình bày đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Lập, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Trải qua 46 năm kể từ ngày Bác đi xa, 40 năm khánh thành Lăng, đón đồng bào và khách quốc tế viếng Bác, các thế thệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Bộ Tư lệnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó, thi hài Bác được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nơi hội tụ những tình cảm thiêng liêng, biết ơn cội nguồn, niềm kính yêu Bác vô hạn của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bè bạn quốc tế.

Từ ngày mở cửa Lăng đến nay, đã có trên 48 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và dân tộc; nhiều sinh hoạt chính trị, văn hóa của Trung ương và địa phương được tổ chức trọng thể tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình.

Các hoạt động tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sinh động, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là Công trình Lăng của “Lòng Dân - Ý Đảng”, nơi hội tụ niềm tin của cả dân tộc Việt Nam, lòng tôn kính và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã đi sâu phân tích và nêu bật cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ý nghĩa, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người.

Theo các ý kiến, trong những năm tháng chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (tiền thân Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay) đã sát cánh cùng với chuyên gia Liên Xô vượt qua biết bao thử thách, giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác.

Đặc biệt là sau khi Liên Xô tan rã, nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh bước vào giai đoạn đầy thách thức, khó khăn, song đây cũng là thời cơ để đơn vị vươn lên làm chủ nhiệm vụ. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, triển khai nhiều nội dung công tác lớn, vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính cơ bản lâu dài với những bước đi phù hợp, từng bước vươn lên làm chủ vững chắc tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các ý kiến đều thống nhất khẳng định Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là Công trình “Lòng Dân - Ý Đảng” mang ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, thể hiện nét đẹp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã giành trọn cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đây là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác đến thăm viếng, chiêm ngưỡng, bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa tổng hợp cả về chính trị và văn hóa. Đây là nơi lưu giữ một con người đạt đến sự hoàn thiện về nhân cách văn hóa.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Tư lệnh kiêm Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: Vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội tin tưởng giao cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người, trong những năm qua, Bộ Tư lệnh đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt.

Thi hài Bác được giữ gìn trong trạng thái tốt nhất, Lăng của Người giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử được duy tu, tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp, đón tiếp tận tình, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm sâu nặng, đời đời biết ơn công lao trời, biển của Người đối với dân, với nước.

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đã đưa ra một số giải pháp và cho rằng, để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân cả nước; kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đối với mọi hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình.

Bộ Tư lệnh tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao vai trò trách nhiệm, năng lực hoạt động của các lực lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghi lễ, nghi thức trang nghiêm, mẫu mực, chu đáo và tuyệt đối an toàn.

Bộ Tư lệnh phải tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền văn hóa, trong đó tập trung cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức công tác đón tiếp; tăng cường phối hợp các hoạt động với các công trình, di tích trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình…

Nguyễn Cường (TTXVN)