07:21 01/07/2020

Phát huy vai trò, nguồn lực các tôn giáo trong tuyên truyền giá trị văn hóa truyền thống

Ngày 1/7, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” (Chỉ thị 46) và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội (Chỉ thị 41).

Chú thích ảnh
 Đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Bình Trọng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng chủ trì hội nghị.

Tỉnh Trà Vinh có dân số hơn 1 triệu người, trong đó, người Khmer chiếm 31%, người Hoa và các dân tộc thiểu số khác chiếm khoảng 1%. Toàn tỉnh có 465 cơ sở tín ngưỡng, 370 cơ sở tôn giáo. Vì vậy, tỉnh có nền văn hóa đa dân tộc, với nhiều lễ hội phong phú.

Thực hiện Chỉ thị 46, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức lối sống; chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo về công tác văn hóa, văn nghệ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa… Từ đó, các cấp ủy, chính quyền xây dựng các văn bản triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 46, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ đảng viên và nhân dân về công tác đấu tranh, ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội được nâng lên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo đức lối sống  ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên... được các cấp, các ngành quan tâm và tích cực thực hiện. Từ đó, khả năng “tự đề kháng” và nói “không” trước sản phẩm văn hóa độc hại, công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin, truyền thông có chuyển biến tích cực.

Chú thích ảnh
Đại biểu dự hội nghị.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo có nhiều chuyển biến. Các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Nội dung lễ hội phong phú, đa dạng thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại lễ hội được bảo đảm, từng bước khắc phục tình trạng mê tín dị đoan, cờ bạc, lưu hành ấn phẩm trái quy định của pháp luật. Một số sự kiện văn hóa trong lễ hội đã dần mang tính chuyên nghiệp, góp phần tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 12 lễ hội được diễn ra hàng năm với quy mô lớn, nhiều địa điểm tổ chức, trong đó có 3 lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh còn có hàng trăm lễ hội quy mô nhỏ, ở phạm vi cấp xã do cộng đồng dân cư, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự tổ chức. Công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Hầu hết các lễ hội đều do các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí, riêng các lễ hội lớn tổ chức quy mô cấp tỉnh kinh phí xã hội hóa chiếm 56%.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Kim Ngọc Thái biểu dương sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ công tác ở lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông, văn học nghệ thuật và lực lượng vũ trang trong tỉnh trong quá trình thực hiện các chỉ thị. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 41 và 46, cụ thể hóa các nội dung thành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể.

Tỉnh phát huy vai trò của chức sắc, chức việc các tôn giáo, người đại diện cơ sở tín ngưỡng trong tuyên truyền, phát huy giá trị tích cực, góp phần hạn chế các hoạt động phi văn hóa trong lễ hội, đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động rà soát, thống kê các lễ hội, các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh cả về quy mô và loại hình, trên cơ sở đó, thực hiện quy hoạch lễ hội, quy hoạch di tích, có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, sử dụng di tích một cách hợp lý, hiệu quả, phục vụ tích cực cho công tác giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút du khách tham quan, du lịch, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến người dân trong và ngoài tỉnh.

Chú thích ảnh
 Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen. 

Tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm về phổ biến, phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn; xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là các di tích lịch sử cách mạng, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo sân chơi lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh của người dân trong tỉnh.

Dịp này, 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 41 và Chỉ thị 46 của Ban Bí thư được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.

Tin, ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)