12:19 18/12/2017

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng chống tham nhũng

Với trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cần tham gia quyết liệt vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội thảo "MTTQ Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng", được tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội.

Nhân dân đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng

Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước, MTTQ triển khai mạnh mẽ, rộng khắp từ Trung ương đến địa phương.

Nhiều nghị quyết, văn bản pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng được ban hành, bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử…

Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ sống còn không riêng một ngành nào, một cơ quan nào mà là của toàn xã hội, trong đó có MTTQ Việt Nam. Ngay từ đầu năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra cho MTTQ Việt Nam phải tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai các nội dung công tác phòng chống tham nhũng. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn các đại biểu thảo luận, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường vai trò, hiệu quả của MTTQ Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng sao cho thực sự thiết thực, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng xuất phát từ vị trí, chức năng và nhiệm vụ của MTTQ  Việt Nam. MTTQ đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tham nhũng là kẻ thù của nhân dân, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân nên với trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, MTTQ Việt Nam phải tham gia quyết liệt vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng của MTTQ, vai trò và sự tham gia của quần chúng nhân dân chiếm vị trí rất quan trọng. Thực tiễn cũng đã khẳng định, nhân dân là những người tích cực trong việc phát hiện những hành vi tham nhũng. Những thông tin, phản ánh của người dân, sự vào cuộc của báo chí là kênh hết sức quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, xác minh, xử lý.

Tự thân MTTQ không thể tham gia phòng, chống tham nhũng có hiệu quả nếu không dựa vào nhân dân, các tổ chức thành viên, vào các hình thức giám sát, phát huy dân chủ ở cơ sở như Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và sự tham gia trực tiếp của người dân.

Theo ông Ngô Sách Thực, cần phát huy cơ chế giám sát xã hội, giám sát của nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, về sự quan tâm gia đình, nuôi dạy con, chế độ một vợ, một chồng, dấu hiệu thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh...

Phối hợp trong phòng, chống tham nhũng

Đặt vấn đề về việc phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên để động viên nhân dân tham gia cung cấp thông tin, tố cáo hành vi tham nhũng, ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng khâu này còn yếu.

Thực tế cơ chế để đoàn viên, hội viên phản ánh, tố cáo tham nhũng cũng còn thiếu.  Hiện nay dân rất ngại tố cáo, vì sợ “trù úm”, sợ ảnh hưởng đến việc học tập, làm ăn của gia đình, người thân. Từ đó, ông Đỗ Duy Thường đề nghị cần tìm ra hình thức phù hợp, cần có cơ chế vận động nhân dân trong phòng, chống và phản ánh, tố cáo tham nhũng.

Ông Ngô Đức Hòa, đại diện Ban Nội chính Trung ương đề nghị Mặt trận cần tập trung giám sát có hiệu quả vào những vấn đề lớn, các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, giám sát các dự án thua lỗ, những lĩnh vực cán bộ có biểu hiện bất minh...

Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả phải vận hành tốt các cơ chế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tăng sức mạnh của Mặt trận. Trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, Mặt trận nên nắm chắc tình hình, phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với người dân, đồng thời giám sát các cuộc đối thoại đó....

Phúc Hằng (TTXVN)