08:11 04/08/2020

Phát huy tiềm năng và lợi thế thương hiệu 'Thanh long Chợ Gạo'

Tiền Giang xác định thanh long là một trong những cây ăn quả đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao và thương hiệu “Thanh long Chợ Gạo” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận sở hữu tập thể.

Tại huyện Chợ Gạo, quê hương thương hiệu “Thanh long Chợ Gạo”, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhiều nhà nông đã làm giàu từ cây thanh long, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc và địa phương đạt thành quả tốt trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Chú thích ảnh
Xã viên Hợp tác xã Thiên Phúc chăm sóc vườn thanh long giống mới vỏ vàng ruột trắng. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Vẹn cho biết, minh chứng cụ thể là trong năm 2019, toàn huyện Chợ Gạo đã có 21.962 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi” các cấp; trong đó ở cấp xã là 16.782 hộ; cấp huyện là 3.700 hộ; cấp tỉnh là 1.427 hộ; có 53 hộ được công nhận “Nông dân sản xuất giỏi” cấp Trung ương. Đặc biệt, trong 21.962 nông dân sản xuất giỏi có đến 60% hộ nông dân làm giàu từ cây thanh long. 

Theo ông Nguyễn Văn Vẹn, nhằm giúp người dân nắm vững kỹ thuật, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học, nâng cao hiệu quả từ cây trồng đặc sản, trong năm qua, Hội đã tổ chức 50 lớp sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, giúp nhiều nhà, tăng năng suất và chất lượng nông sản,  tăng thu nhập từ trái thanh long.

Điển hình như hộ ông Lê Văn Thủy, ngụ ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tổ viên Tổ hợp tác sản xuất thanh long Mỹ Tịnh An với mô hình “Vườn trồng thanh long ruột trắng leo giàn”. 

Qua nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, ông mạnh dạn đầu tư đổ cột bê tông cao 1,8 mét làm trụ, mua ống sắt làm giàn cho thanh long leo. Sau khi chuyển đổi diện tích 1,1 ha đất trồng lúa sang trồng thanh long ruột trắng, năm 2013, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành Nông nghiệp huyện, ông cùng các hộ trồng thanh long trong ấp áp dụng tiêu chí sản xuất theo chuẩn VietGAP. 

Là xã viên của Hợp tác xã sản xuất thanh long Mỹ Tịnh An, ông Thủy cùng các xã viên được tư vấn kỹ thuật sản xuất, tài trợ kinh phí tái chứng nhận VietGAP và GlobalGAP, được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài với giá sàn là 10.000 đồng/kg và được hỗ trợ thêm từ 1.000-2.000 đồng/kg… 

Nhờ lợi nhuận ổn định từ vườn thanh long, ông đã mua thêm 0,5 ha đất để mở rộng mô hình trồng thanh long theo kỹ thuật leo giàn theo hướng sản xuất hữu cơ, sinh học. Năm 2019, lợi nhuận thu được từ vườn thanh long của ông Thủy là hơn 1,2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí là 751 triệu đồng. 

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Phúc, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, phấn khởi cho biết, gia đình ông có 3 ha đất trồng lúa 3 vụ/năm đạt năng suất bình quân 4,5-5 tấn/ha nhưng giá lúa không cao, thu nhập không ổn định. Gần đây, sau khi tham dự các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng do Hội Nông dân tổ chức, ông mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng thanh long ruột đỏ và bưởi da xanh. Bình quân mỗi năm ông đạt sản lượng thu hoạch 41 tấn thanh long ruột đỏ và 55,5 tấn bưởi da xanh. 

Sản phẩm thanh long ruột đỏ và bưởi da xanh của ông đạt tiêu chuẩn VietGap và GloalGAP nên tiêu thụ mạnh trong hệ thống các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Campuchia… Lợi nhuận thu được trong năm qua từ thanh long ruột đỏ và  bưởi da xanh là gần 2 tỷ đồng sau khi trừ tổng chi phí là 980 triệu đồng. 

Tại ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, ông Phạm Văn Bảy là người đi tiên phong tại địa phương trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả khi lựa chọn cây thanh long làm cây trồng chủ lực phát triển kinh tế.

Hơn 10 năm trước, với 1,2 ha đất vườn, ông trồng thanh long trên trụ cây me tây. Qua tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng thanh long do Hội Nông dân xã và các ngành chuyên môn tổ chức, ông mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng thanh long bằng trụ cây me tây sang trồng thanh long trên trụ bê tông để nâng cao hơn nữa hiệu quả cây trồng. Với 1 vụ mùa và 2 vụ xông đèn trái vụ, hàng năm gia đình ông thu lợi nhuận từ loại cây trồng này gần 300 triệu đồng. 

Ông Trần Văn Tèo, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phan cho hay, là xã nông thôn nên kinh tế của địa phương trước đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp từ sản xuất lúa, trồng hoa màu và chăn nuôi nên thu nhập của người dân chưa cao. 

Từ khi triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao và có lợi thế của xã. Diện tích thanh long toàn xã mở rộng lên 205,6 ha chưa kể một số loại cây ăn quả khác như bưởi da xanh, dừa uống nước... 

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Phan đạt 48,65 triệu đồng/năm, so với 2014 là 28,6 triệu đồng/năm. Địa phương đã từng bước hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để có sự liên kết hiệu quả, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm… Bình Phan cũng đã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới năm 2019.

Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết, toàn huyện hiện có trên 7.000 ha thanh long; trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 5.200 ha,  sản lượng mỗi năm trên 180.000 tấn quả, là nguồn nông sản hàng hóa chất lượng phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, thanh long Chợ Gạo đã được xuất đi các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ. 

Nhìn chung lợi nhuận thu được từ thanh long ruột đỏ khoảng 500 - 600 triệu đồng/ha/năm, thanh long ruột trắng 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 8 - 10 lần so với lúa. Thu nhập của người dân tăng lên, ngày càng nhiều hộ trở nên khá giàu, bộ mặt nông thôn càng ngày càng khang trang. 

Đây là nhân tố giúp 100% số xã tại huyện Chợ Gạo đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được công nhận xã nông thôn mới. Chợ Gạo đang được thẩm định để ra mắt huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020, là huyện thứ hai tại tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn và ra mắt huyện nông thôn mới. Trong thành quả đó, có đóng góp tích cực của vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo và những nông dân làm giàu từ vườn quả thanh long xuất khẩu hôm nay. 

Thời gian tới, để đáp ứng cho việc phát triển thương hiệu, sử dụng có hiệu quả lợi thế so sánh đối với sản phẩm này, huyện tiếp tục triển khai chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, góp phần tiêu thụ hàng hóa nông sản, đồng thời tạo điều kiện để khai thác tốt thương hiệu “Thanh long Chợ Gạo” đã được khẳng định trên thị trường trong ngoài nước.

Hữu Chí (TTXVN)