07:06 15/07/2016

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng

Đồng bằng sông Cửu Long quyết tâm vượt qua mọi thách thức để trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước, phát triển nhanh và bền vững.

GS.Võ Tòng Xuân: Nhà nước tạo cơ chế, người dân tạo sự chủ động

Người nông dân cá thể khó tồn tại trong môi trường thương mại tự do nếu không có những chính sách tăng cường năng lực cạnh tranh để lợi dụng được những cơ hội và khắc phục những thách thức của hội nhập kinh tế ASEAN và TPP. Do vậy, để sẵn sàng hội nhập, nhất thiết người dân phải đổi mới, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp trong khuôn khổ nông thôn mới. Tất nhiên, trong quá độ thì sẽ phải chấp nhận hi sinh, nhiều nông dân sản xuất nhỏ sẽ bị đào thải.

Một góc làng nuôi cá bè trên sông Châu Đốc (An Giang). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Tôi nghĩ, muốn đứng vững trong giai đoạn mới, nông dân sản xuất nhỏ cần liên kết với nhau, có khả năng thích nghi với hệ thống sản xuất hiện đại, giảm chi phí, hạ giá thành. Theo đó, nông dân phải nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng hợp tác xã hoặc trang trại lớn; liên kết với các doanh nghiệp đầu ra và đầu vào; áp dụng nghiêm túc quy trình trồng trọt, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc theo tiêu chuẩn GAP…

Như vậy, nhà nước phải tận dụng mọi nguồn lực, tập trung đầu tư cấu trúc hạ tầng, tổ chức hạ tầng cho nông dân sản xuất; đổi mới giáo dục, y tế, đường sá, công nghệ thông tin liên lạc. Nhất là cải cách cơ chế - chính sách phù hợp như: Quyền sở hữu ruộng đất; tín dụng nông thôn; chuyển giao kỹ thuật và ưu đãi lãi xuất xây dựng doanh nghiệp chế biến hàng thương hiệu; kiểm định chất lượng nông dược và chuẩn an toàn thực phẩm.

Tóm lại nhà nước cần có những chính sách ưu tiên. Theo tôi cần quan tâm vào việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp nơi thích hợp để tạo môi trường đầu tư sản xuất thuận lợi cho nông dân nghèo, đồng thời làm vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp có đầu ra đến liên kết với hợp tác xã nông nghiệp tại vùng nguyên liệu bền vững lâu dài và đào tạo nông dân phải thực sự lão luyện quy trình GAP. Tuy nhiên phải lưu ý và có phương án tháo lui cho những nông dân sản xuất nhỏ không trụ được trong hệ thống.


Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang: Phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các địa phương để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Tập trung vào kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao, tính cạnh tranh cao và bền vững. Bên cạnh mục tiêu giảm chi phí trung gian, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, còn chú trọng đến tiêu thụ, tức là phải giải quyết đồng bộ các nội dung có liên quan đến chuỗi giá trị như các khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tư vấn, tiếp thị quảng cáo và thị trường, xây dựng thương hiệu…

Ngành sản xuất lúa - gạo với diện tích trên 200 nghìn ha của tỉnh Hậu Giang, phải được tập trung từ khâu sản xuất như: ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao, cụ thể giống lúa mục tiêu đúng chuẩn, ứng dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn tập trung 1 giống lúa mục tiêu; ứng dụng mô hình 3 giảm - 3 tăng; mô hình 1 phải 5 giảm; mô hình cánh đồng 4 tốt (đất tốt, giống tốt, chăm sóc cây trồng tốt và sản phẩm tốt góp phần bảo vệ môi trường tốt) và tiêu thụ được thực hiện đồng bộ đây là mục tiêu hàng đầu. Đây là “sức đẩy” và hiển nhiên là “cái gốc của ngành hàng và cái gốc của chuỗi giá trị gia tăng”.


Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng sản phẩm chủ lực

Phát triển sản phẩm chủ lực là một yêu cầu tất yếu, khách quan nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng hóa và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng. Cần triển khai thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho sản phẩm chủ lực phát triển một cách ổn định và bền vững.

Cần triển khai xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang lồng ghép với phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh và của vùng. Có chính sách phát huy các nguồn vốn sáng tạo thúc đẩy khởi nghiệp, khoa học công nghệ; khuyến khích nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp.

Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL, trong đó có một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng (vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn doanh nghiệp tham gia và vốn tín dụng ngân hàng).

Tăng cường hơn nữa các hình thức liên kết, hợp tác theo nhu cầu và thực chất hơn các hình thức ký kết hợp tác kinh tế giữa chính quyền các tỉnh, thành trong vùng với nhau và với TP. Hồ Chí Minh (thời gian vừa qua chủ yếu mang tính cam kết, còn nặng hình thức và theo phong trào). Từ các hình thức “liên kết nhà nước” giữa các chính quyền địa phương với nhau và với các bộ, ngành, cần chuyển sang chủ yếu liên kết doanh nghiệp, liên kết thị trường dựa trên nền tảng lợi ích. Trên cơ sở đó tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ gắn với từng Cluster chuyên ngành (cụm kinh tế ngành trong nông nghiệp dựa trên thế mạnh các sản phẩm chủ lực từng vùng) tạo ra các sản phẩm chủ lực.

Ông Mã Văn Tuệ, Viện Nghiên cứu phát triển: Ưu tiên ngành cơ khí công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ

Chúng ta cần tập trung phát triển các ngành cơ khí công nghệ cao (cơ khí nông nghiệp) và công nghiệp hỗ trợ có những chỉ số hàm lượng trí tuệ cao. Do vậy cần phải có chiến lược phát triển riêng từng ngành cơ khí và đồng thời cần quan tâm hơn nữa việc phát triển thị trường cung - cầu cho lĩnh vực này. Các địa phương trong vùng cần phải tạo điều kiện, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng và tăng cung của thị trường. Các doanh nghiệp hoặc các cơ quan nào có nhu cầu ở lĩnh vực này mà chưa đủ năng lực, kinh nghiệm thì nên khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy ngành cơ khí công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị gia tăng.


PGS.TS Nguyễn Minh Hiệp, Vụ trưởng, Tạp chí Cộng Sản: Chuẩn bị tốt nguồn lao động nông nghiệp khi tham gia TPP

Tôi nhận thấy chúng ta có khá nhiều trường đào tạo từ trung cấp nghề đến tiến sĩ cho các ngành liên quan đến nông nghiệp với thời gian đào tạo từ 2 - 7 năm. Song trong thực tế thì nông dân không có thời gian đi học lâu như vậy. Đa phần nông dân cần đào tạo, tập huấn ngắn hạn cấp chứng nhận và chứng chỉ thì số lớp đào tạo này lại quá ít so với nhu cầu. Do vậy, trong thời gian tới các cơ sở đào tạo cần quan tâm hơn nữa đào tạo cấp chứng nhận, chứng chỉ để đáp ứng nhu cầu thực sự của nông dân. Bên cạnh đó, cần quan tâm cải tiến hệ thống hướng nghiệp, chú ý hướng nghiệp đúng đắn cho học sinh, phù hợp với sở thích và khả năng của các em ngay từ bậc học phổ thông.


Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ: Ba yếu tố tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Nông nghiệp là thế mạnh của vùng ĐBSCL nhưng vốn FDI đầu tư vào ngành này chiếm tỷ trọng nhỏ do rủi ro cao. ĐBSCL vẫn chưa tận dụng được các thế mạnh vốn có nên đóng góp sản phẩm nông nghiệp ra thế giới chỉ khoảng 2% là rất khiêm tốn so với tiềm năng. Việc thu hút FDI có tiến bộ và sẽ đột phá đối với các ngành khác nhưng riêng nông nghiệp sẽ không có đột phá nếu không thay đổi chính sách hạn điền, nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi về nông nghiệp. Ba yếu tố này sẽ là rào cản cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Kiên quyết loại bỏ thủ tục

Chúng tôi nhận thức rõ cần có sự quan tâm đồng hành thực sự của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, từ đó mới tạo đà đột phá phát triển kinh tế - xã hội.
Với trên 4.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sản xuất, kinh doanh, đầu tư tại Cà Mau. Đa số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi trồng xuất khẩu thủy sản, khí - điện - đạm, du lịch… Liên tục trong 5 năm qua, Cà Mau xuất khẩu khoảng 600 ngàn tấn hải sản hàng năm tới 40 quốc gia và đã vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm, đạt 1,3 tỷ USD/năm.

Do vậy trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bên cạnh công tác xây dựng và nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, thực hiện cải cách hành chính, Cà Mau kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính làm chậm việc ra quyết định đầu tư, hay làm chậm triển khai các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguyễn Đức