06:22 28/06/2016

Phát huy nét đặc sắc thổ cẩm vùng cao

Năm nay đã 64 tuổi, nhưng ngày ngày bà Nông Thị Nghị, dân tộc Nùng, ở xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, vẫn miệt mài với từng đường kim mũi chỉ; góp phần giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Nùng, cũng như cải thiện cuộc sống.

Bà Nông Thị Nghị chia sẻ: Phụ nữ Nùng xưa nay đều phải tự tay dệt vải, khâu quần áo. Áo Nùng tuy ít họa tiết nhưng khi làm lại rất cầu kỳ. Từ lúc kéo sợi, dệt vải đến lúc thành một chiếc áo để mặc phải mất khoảng 2 - 3 tháng. Công đoạn kéo sợi, nhuộm vải là kỳ công nhất; phải tranh thủ làm sau buổi đồng áng, thường làm đến gần sáng để nhanh hoàn thành. Khi thành vải, người dân giã cây chàm chắt lấy nước để ngâm. Công đoạn ngâm chàm cũng rất cầu kỳ, mỗi ngày phải vớt ra phơi và ngâm lại hai lần. Người dân quan niệm, phơi chàm phải phơi lúc sáng sớm cho kịp sương, liên tục trong khoảng một tháng mới bền màu.

Bà Nông Thị Nghị góp phần giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Nùng.

Áo Nùng ở Hòa Cư lấy điểm nhấn ở phần khuy áo, mỗi chiếc áo có 7 khuy cài rải chéo từ cổ đến mạn sườn. Họa tiết thêu của người Nùng đơn giản như chính cách sống của họ. Trên các sản phẩm, hoa văn chủ yếu là các họa tiết hình tròn, bố cục cân xứng, mô phỏng lại mặt trời, ngôi sao với nhiều màu sắc rực rỡ; có hoa văn mô phỏng lại bó mạ xanh non trên đồng ruộng. Tất cả được bàn tay khéo léo của người phụ nữ Nùng thể hiện tối giản trên nền vải chàm.

Bà Nghị cho biết, một chiếc vỏ gối có 9 hoa văn mặt trời thường phải thêu hơn 10 ngày mới xong. Theo truyền thống, phụ nữ Nùng tự tay làm tất cả những vật dụng trong gia đình, từ quần áo đến chăn, gối... Những năm gần đây, dựa trên những họa tiết truyền thống của dân tộc Nùng, công ty Craft Link tại Hà Nội đã phát triển thành những mẫu mã đa dạng, phối hợp nhiều màu sắc để hợp với thị hiếu người tiêu dùng và đặt hàng người dân Hòa Cư làm để bán ra thị trường. Nhờ đó, việc làm thổ cẩm đã có quy mô hơn, các hộ gia đình phân công nhau mỗi gia đình làm một công đoạn, giúp sản phẩm được làm nhiều hơn.
Bài và ảnh: Hoàng Nam