04:07 07/04/2015

Phát huy lợi thế cảng biển

Cụm cảng TP Hồ Chí Minh có 38 cảng đang khai thác, với chiều dài gần 13 km, trong đó có một số cảng đảm trách phần lớn thị phần vận tải biển của cả nước, như Tân Cảng - Cát Lái, Cảng Sài Gòn, Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT)…

Cụm cảng TP Hồ Chí Minh có 38 cảng đang khai thác, với chiều dài gần 13 km, trong đó có một số cảng đảm trách phần lớn thị phần vận tải biển của cả nước, như Tân Cảng - Cát Lái, Cảng Sài Gòn, Cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT)…

Năm 2014, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 109 triệu tấn, tăng 28 triệu tấn so với năm 2013 và vượt cả kế hoạch năm 2015 mà thành phố đề ra là 100 triệu tấn. Nguyên nhân là do thành phố đã đầu tư và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, như Tân Cảng - Hiệp Phước, dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2…

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho biết, hiệu quả rõ rệt nhất của dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 là đã tăng đáng kể nguồn thuế. Cụ thể, trước đây, chỉ tiêu thu thuế của hải quan Hiệp Phước là 600 tỷ đồng/năm, nhưng sau khi luồng Soài Rạp giai đoạn 2 đưa vào hoạt động đã tăng lên 2.000 tỷ đồng và đến cuối năm 2014 hải quan Hiệp Phước đã thu được 3.400 tỷ đồng.

Để phát huy thế mạnh kinh tế biển, TP Hồ Chí Minh đang triển khai dự án phức hợp Khu công nghiệp, đô thị Cảng Hiệp Phước (quy hoạch 2.000 ha). Tương lai, đây sẽ là khu công nghiệp - khu đô thị lớn nhất TP Hồ Chí Minh nằm bên sông Soài Rạp - luồng tàu rộng nhất và ngắn nhất phía Nam có thể đón tàu có tải trọng từ 50.000 - 70.000 DWT từ Biển Đông vào hệ thống cụm cảng Khu công nghiệp Hiệp Phước; từ đó qua sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn xuôi về đồng bằng sông Cửu Long hoặc ngược lên thượng nguồn qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tiếp cận với vùng công nghiệp miền Đông Nam Bộ, rút ngắn cự ly và thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí và tăng cường trao đổi hàng hóa giữa các vùng.

PV