11:19 23/11/2016

Phát huy giá trị khu di tích đền Trần Nam Định

Khu trung tâm lễ hội (thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần) tại tỉnh Nam Định dự kiến hoàn thành vào năm 2020 sẽ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của Quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần. Phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam…

Du khách thập phương về dự Lễ hội truyền thống đền Trần năm 2015. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN.


Hoàn thiện đồng bộ cảnh quan di tích


Khu trung tâm lễ hội gồm các khu: Công viên văn hóa Trần, trung tâm lễ hội, khu vùng đệm. Các hạng mục này sẽ được xây mới, tôn tạo và tổ chức khai thác phục vụ dịch vụ du lịch, tâm linh. Theo đó, khu công viên văn hóa Trần (phía nam sông Vĩnh Giang), được xây dựng hồ nước với cảnh quan sinh thái phục vụ tưới, tiêu thoát nước của khu vực và đường dạo ven hồ; hệ thống cây xanh cảnh quan, hệ thống chiếu sáng.


Còn khu trung tâm lễ hội (nằm giữa đền Trần và chùa Tháp) sẽ được xây dựng sân lễ hội; xây dựng và tôn tạo hệ thống cây xanh, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường, cấp điện và công trình kiến trúc, nghệ thuật phục vụ lễ hội. Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng mới khu đệm, khu dịch vụ, hệ thống đường giao thông kết nối đến các phân khu và giao thông nội bộ; công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật chung (cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải, chất thải...); hệ thống chiếu sáng, bãi đỗ xe…


Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ cảnh quan và hoàn thiện cơ sở vật chất, sẽ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của Quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định trong bối cảnh xã hội mới; qua đó, phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Bên cạnh đó, khi khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần hoàn thiện, sẽ hình thành một điểm du lịch đặc sắc, cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa thời Trần. Nơi đây cũng sẽ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng phù hợp với ước nguyện của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định trong thời gian tới. Đây cũng chính là mục tiêu mà những người thực hiện quy hoạch đặt ra khi xây dựng dự án này.


Di sản của dân tộc


Khu di tích đền Trần (thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) là cụm di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích thời Trần ở Nam Định, gắn liền với những nhân vật lịch sử triều đại nhà Trần.


Theo sử sách ghi lại, đền Trần Nam Định là nơi thờ các vua Trần, cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần, đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ thứ 15. Đền Trần Nam Định gồm 3 công trình kiến trúc chính, là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả 3 đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu vu. Trong đó, đền Thiên Trường là nơi thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần. Đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Đền Trùng Hoa được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng, nay là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan…


Không chỉ là một khu di tích lịch sử, và nghệ thuật kiến trúc độc đáo, đây cũng là một trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn ở khu vực châu thổ sông Hồng, với nhiều lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, nhằm ghi nhớ và tôn vinh thời đại nhà Trần. Trong đó, có hai kỳ lễ hội quan trọng nhất là lễ Khai ấn đầu xuân và lễ hội tháng Tám - kỷ niệm ngày mất của vị anh hùng dân tộc, Đức thánh Trần Hưng Đạo, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham gia.


Lễ hội truyền thống đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống lớn, niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định nói riêng, của nhân dân cả nước nói chung. Lễ hội truyền thống đền Trần ở Nam Định gồm có lễ khai Ấn đền Trần, diễn ra giữa đêm 14, rạng sáng 15 tháng giêng âm lịch, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vượng, TP Nam Định. Đây là một phong tục mô phỏng nghi lễ triều chính, thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với những vị vua anh minh, những vị tướng tài ba thời Trần có công với dân, với nước. Sau lễ khai Ấn đầu năm, tại đền Cố Trạch và Thiên Trường còn có lễ hội lớn được mở trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ ngày mất của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Các nghi lễ tại di tích đền Trần từ lâu đã lưu giữ được các phong tục cổ truyền của dân tộc, phần nào tái hiện được một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, nuôi dưỡng bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm, tâm thức uống nước nhớ nguồn của mỗi người Việt Nam.


Với những giá trị đặc biệt về lịch sử kiến trúc và di tích, giá trị đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cụm di tích đền Trần đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, và Lễ hội đền Trần được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, tỉnh Nam Định, qua đó tạo tiền đề để đề nghị công nhận quần thể di tích này là di sản văn hóa thế giới, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định, theo Quyết định số 252/2005/QĐ-TTg ngày 12/10/2005. Từ đó đến nay, Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần đã từng bước được trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định”. Theo quyết định, dự án được thực hiện trong 5 năm (2016-2020) tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, do UBND tỉnh Nam Định là chủ đầu tư.

Phương Hà