05:11 05/05/2019

Phát huy giá trị di tích Chi Lăng - Bài 2: Tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị 

Mặc dù có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử và sớm được công nhận là Khu Di tích Lịch sử cấp quốc gia nhưng trong một thời gian dài, Khu Di tích lịch sử Chi Lăng vẫn chưa được bảo tồn, tôn tạo, phát huy đúng giá trị. 

Chú thích ảnh
Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng.

Bảo tồn chưa tương xứng

Khu Di tích Chi Lăng được xác định với phạm vi rộng lớn, bao gồm toàn bộ vùng đất đã diễn ra chiến trận ở Chi Lăng. Sau này, căn cứ vào sự kiện lịch sử và thực địa, ngành Văn hóa Lạng Sơn dần xác định cụ thể từng điểm di tích. Tuy nhiên, do những tác động của thiên nhiên và con người qua gần 600 năm, nên có những điểm di tích trên thực tế đã mất dấu vết.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, khi được công nhận di tích Quốc gia, Khu Di tích Chi Lăng được xác định với 52 điểm di tích phân bố trên phạm vi rộng lớn, bao gồm toàn bộ vùng đất đã diễn ra chiến trận ở Chi Lăng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 46 điểm di tích được xác định, phân bố làm 5 cụm trải dài từ Khu Mỏ Đá, xã Quang Lang đến xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng.

Trong đó, xã Chi Lăng có 3 cụm di tích, thị trấn Chi Lăng có 1 cụm di tích, xã Quang Lang có 1 cụm di tích). Nổi bật nhất trong tổng thể toàn bộ Khu Di tích chính là các di tích ghi dấu Chiến thắng Chi Lăng và đỉnh cao là trận chiến tiêu diệt đạo quân tiếp viện của Liễu Thăng năm 1427 trong thung lũng Chi Lăng. Bên cạnh đó, còn có một số di tích được hình thành từ tín ngưỡng thờ những người có nhiều cống hiến, đã hy sinh trong chiến đấu như đền Quan Nàng, đền Mỏ Bạo (xã Quang Lang)...

Thời gian qua, huyện Chi Lăng và tỉnh Lạng Sơn đã cho xây dựng các công trình nhằm phát huy giá trị của khu di tích và triển khai các hoạt động khai thác phục vụ khách tham quan du lịch. Tuy vậy, về cơ bản, Khu di tích Chi Lăng hiện nay mới chỉ có các hạng mục chính là nhà trưng bày và tượng đài Chiến thắng Chi Lăng. Nhìn chung, công tác bảo tồn di sản tại đây chưa tương xứng với ý nghĩa lịch sử của Khu Di tích này. Các hoạt động trưng bày còn khá mờ nhạt, chưa gây được ấn tượng sâu sắc, chưa chuyển tải, thể hiện được cốt lõi, bản chất, tầm vóc của sự kiện...

Giáo sư, Tiến sỹ Trương Quốc Bình đánh giá, đến thời điểm hiện tại, khu nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng là điểm nhấn của khu di tích nhưng quy mô nhỏ hẹp, ít công trình lưu niệm và đã xuống cấp, sơ sài, không xứng tầm so với vai trò, vị trí, ý nghĩa quốc gia của chiến thắng Chi Lăng.

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, những di tích trong quần thể Chi Lăng đến nay chưa thực sự được khai thác, phát huy triệt để do thiếu sự kết nối, thiếu động lực bởi ít khách tham quan và đặc biệt là thiếu kinh phí đầu tư. Công tác phát huy giá trị di tích cũng còn hạn chế, đặc biệt là nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng. Theo thống kê, từ năm 2014, sau khi nhà trưng bày được tái thiết, khai trương, lượng khách tham quan giảm dần, từ con số 1.638 lượt khách năm 2014 chỉ còn 759 lượt người năm 2017.

Ông Hoàng Minh Trường, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng khẳng định Lạng Sơn luôn xác định công tác bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Chi Lăng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và liên tục.

Từ năm 1982, một nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng đã được xây dựng với diện tích 25.000m2 tại khu vực Thành Kho. Đến năm 2004, Nhà trưng bày được xây dựng lại tại khu đất mới (thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng) với nhiều hạng mục và quy mô lớn hơn, trong đó có tượng đài Chiến thắng Chi Lăng, nhà trưng bày, nhà kho và xưởng phục chế và một số hạng mục phụ trợ khác.

Tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử và danh thắng huyện Chi Lăng nhằm thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Theo ông Hoàng Minh Trường, mục tiêu của việc bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích đã được xác định. Huyện đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo tồn, sưu tầm bổ sung tài liệu, tư liệu hiện vật trưng bày, tiến hành khoanh vùng cắm mốc cho các điểm di tích, xây dựng nội quy di tích, cắm biển tên, chỉnh trang cảnh quang môi trường xung quanh các điểm di tích... Tuy nhiên  đến nay, vì nhiều lý do, việc quản lý tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích chưa tương xứng... 

Cấp thiết tôn tạo

Chú thích ảnh
Khách tham quan nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy bền vững những chứng tích lịch sử còn lại của Khu di tích Chi Lăng lưu giữ đến ngày nay là nhiệm vụ cấp thiết của các ngành, các cấp. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Chi Lăng là một vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều mặt, gồm lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa, địa lý, cảnh quan môi trường… Để làm tốt việc này đòi hỏi phải là một quá trình lâu dài, với sự tham gia tích cực của nhiều ngành, nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau ở cả Trung ương và địa phương.

“Trước mắt cần có một cơ chế chính sách và tổ chức hợp lý, đồng bộ,  đội ngũ cán bộ đủ mạnh, làm việc hiệu quả để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Chi Lăng. Với ý nghĩa và giá trị tiêu biểu nổi bật, Khu Di tích lịch sử Chi Lăng xứng đáng được làm hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt trong thời gian tới”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ nói.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lưu ý, các di sản văn hóa nói chung và di tích lịch sử của nước ta thường phân bố trong lòng khu cư dân, địa phương, cụ thể là phường, xã, làng xóm… Khu Di tích lịch sử Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cũng vậy, do đó, việc bảo tồn di tích lịch sử Chi Lăng phải kết hợp chặt chẽ và đồng bộ với các phong trào, chương trình quốc gia có liên quan đang được thực hiện ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện bảo tồn và tôn tạo di tích, địa phương cần ưu tiên xây dựng các trung tâm diễn giải lịch sử và trung tâm dịch vụ văn hóa du lịch góp phần thu hút khách tới thăm di tích, tạo ra sinh kế và nguồn thu cho cộng đồng địa phương. Nên coi đây là phương thức hữu hiệu để “đánh thức lịch sử”, làm cho di tích có sức sống ngay trong lòng cộng đồng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Trường, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng khẳng định, trong thời gian tới, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Chi Lăng được huyện Chi Lăng xác định là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, huyện ưu tiên thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các điểm di tích trong Khu Di tích lịch sử Chi Lăng.

Bên cạnh việc xây dựng và mở rộng khu vực đầu tư mới không gian lớn, hội tụ, tỉnh tập trung các công trình, hạng mục, thiết chế văn hóa, lịch sử, đặc biệt là công trình tâm linh Đền thờ Chi Lăng... Đây sẽ là nơi diễn ra các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, nơi nhân dân cả nước bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng dân tộc đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc...

Bài cuối: Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch

Bài và ảnh: Phương Lan  (TTXVN)