05:11 04/05/2019

Phát huy giá trị di tích Chi Lăng - Bài 1: Khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa

Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, mảnh đất Chi Lăng (Lạng Sơn) là vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Đây cũng là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước, chống ngoại xâm.  

Nằm cách biên giới khoảng 60km, cách Hà Nội khoảng 105km, Chi Lăng là một vùng thung lũng hẹp ở giữa một hệ thống núi non hiểm trở, cùng với sông suối, đầm lầy… tạo thành địa bàn có vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Trong quá trình xây dựng, phát triển trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mảnh đất Chi Lăng luôn là biểu tượng của những chiến công hào hùng, làm rạng danh non sông đất nước. 

Chú thích ảnh
Dấu tích ải Chi Lăng. Ảnh: Phòng Văn hóa huyện Chi Lăng cung cấp.

Chi Lăng - Bảo tàng lịch sử ngoài trời 

Chi Lăng có địa thế thiên nhiên hùng vĩ, phía Tây được bao bọc bởi dãy núi đá Cai Kinh hiểm trở, phía Đông là dãy Bảo Đài – Thái Họa, tạo thành một “bức tường” thiên nhiên chắn hai ngả Đông Tây, khép lấy thung lũng Chi Lăng. Ải Chi Lăng nằm trên đường độc đạo, hai đầu ải lại có những ngọn núi đá độc lập, cao chót vót, làm cho cửa ải càng thêm hiểm trở, là vùng phên dậu trọng yếu trấn giữ từ xa của kinh đô Đại Việt xưa...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Sỹ, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Chi Lăng là một trong những khu di tích lịch sử tiêu biểu nhất của miền Bắc nước ta. Xét trên lĩnh vực lịch sử quân sự, Khu Di tích Chi Lăng càng có ý nghĩa đặc biệt và giá trị rất lớn.

Từ xưa đến nay, Lạng Sơn luôn được coi là địa bàn chiến lược chủ yếu và là hướng tiến công chính của quân địch. Nếu chiếm được Lạng Sơn là chiếm được cửa ngõ phía Bắc, sau đó có thể tiến xuống vùng châu thổ sông Hồng và Thủ đô nước Việt. Với giặc ngoại xâm, ải Chi Lăng là vị trí hiểm yếu, luôn được coi là một vùng tử địa, “cửa họng của Giao Chỉ” bắt buộc phải vượt qua trước khi muốn tiến vào Đại Việt.

Chính vì lẽ đó, Chi Lăng luôn là vùng đất ghi dấu ấn đậm đặc những chiến công của ông cha trong lịch sử chống ngoại xâm. Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, những chiến công lịch sử của dân tộc được minh chứng và biểu hiện qua hệ thống hàng chục điểm di tích được lưu lại Chi Lăng. Đây cũng chính là căn cứ để năm 1980, sử gia người Pháp, Tiến sĩ Charler Faudier khi đến tham quan Chi Lăng đã phải thốt lên: “Đây là một bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới”.

Những dấu tích lịch sử quân sự ở Chi Lăng đã thể hiện rõ khả năng và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh của ông cha ta xưa. Chi Lăng hiện có rất nhiều di tích lịch sử là địa danh gắn liền với những chiến công, những trận đánh trong nhiều cuộc kháng chiến giữ nước như: Kháng chiến chống quân Tống (1075-1077), hai lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (năm 1285 và 1288), kháng chiến chống quân Minh dưới triều Hồ (1406-1407), kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo (1418-1427)... 

“Những giá trị lịch sử quân sự Khu Di tích Chi Lăng rất lớn. Cần phải bảo tồn, xây dựng, phát triển, phát huy tốt hơn, để giới thiệu, quảng bá rộng khắp Khu Di tích này, đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống và nguyện vọng tham quan du lịch của nhân dân”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Sỹ nhấn mạnh.

Vùng đất mang nhiều giá trị văn hóa, khảo cổ học

Bên cạnh những giá trị lớn về lịch sử, quân sự, Chi Lăng còn là vùng đất có nhiều giá trị về văn hóa, khảo cổ học. Với hệ thống các điểm di tích lịch sử - văn hóa quan trọng, phân bố dày đặc trên địa bàn hai xã Chi Lăng và Quang Lang, Chi Lăng được coi là một “cái nôi văn hóa” của xứ Lạng.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà, huyện Chi Lăng hiện có 112 điểm di tích, bao gồm 56 di tích lịch sử cách mạng, 10 di tích danh thắng, 6 di tích khảo cổ, 40 di tích tín ngưỡng, tôn giáo. Một số di tích đã được phát huy, trở thành điểm đến du lịch như: Đền Chầu Năm (thị trấn Chi Lăng), Nhà trưng bày Chiến Thắng Chi Lăng, đền Quan Trấn Ải (xã Chi Lăng), đền Chầu Bát, miếu Cô Chín (thị trấn Chi Lăng), đền Chầu Mười (xã Hòa Bình), danh thắng hang Gió, núi Bàn Cờ... Nổi bật trong hệ thống di tích đó là Khu Di tích lịch sử Chi Lăng bao gồm 52 điểm là nơi ghi dấu những chiến công của cha ông ta trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.   

Chú thích ảnh
Toàn cảnh thung lũng Chi Lăng. Ảnh: Phòng văn hóa huyện Chi Lăng cung cấp

Vùng đất Chi Lăng còn là nơi hội tụ văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc cùng sinh sống như dân tộc Tày, Nùng, Hoa... Những bản sắc văn hoá riêng, độc đáo của Chi Lăng được thể hiện qua các lễ hội cổ truyền, sinh hoạt văn hóa chợ, một số làn điệu hát Then, hát Phongslư, hát Lượn cổ Tày - Nùng, múa sư tử hay các điệu múa Xiêng tâng, múa Chầu…

Về khảo cổ học, trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những công cụ điển hình của người tiền sử như công cụ chặt thô sơ, gốm thô cùng một mảnh sọ chứng minh đất Chi Lăng đã có người tiền sử tới cư trú.

Tiến sỹ Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, trên địa bàn huyện Chi Lăng hiện nay đã phát hiện khá nhiều di tích khảo cổ học tiền sử thuộc các giai đoạn khác nhau, hội tụ khá đầy đủ những di tồn văn hóa vật chất của cư dân tiền sử từ giai đoạn trước Bắc Sơn (Lạng Nắc) qua các giai đoạn sớm, giữa, muộn của văn hóa Bắc Sơn đến văn hóa Mai Pha, trải dài trong khung tiền sử khu vực từ khoảng trên 11.000 năm đến khoảng 4.000 nghìn năm cách ngày nay.

Có thể kể đến Di tích hang Bó Nam, hang Lai Ta, hang Bằng Mạc, hang Bó Lấm mang tính chất văn hóa Bắc Sơn. Trong đó, di tích Bó Nam có tầng văn hóa dày, di vật phong phú, niên đại sớm hơn rất có giá trị để nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Bắc Sơn. Hang Lạng Nắc là một trong những di tích khá độc đáo ở Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc nước ta, đại diện cho văn hóa Mai Pha có mặt ở khu vực này. Các di tích Ngườm Sâu, Nà Ngụm chứa di tồn văn hóa của cư dân giai đoạn muộn của văn hóa Bắc Sơn với các rìu mài lan thân, mài toàn thân và mảnh gốm, có nhiều khả năng là giai đoạn tiếp nối từ văn hóa Bắc Sơn đến văn hóa Mai Pha… minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của người Việt cổ.

Với ý nghĩa, giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng, ngày 28/4/1962, Khu Di tích chiến thắng Chi Lăng được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia đợt đầu tiên, khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
        
Bài 2: Tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị 

Phương Lan (TTXVN)