09:11 21/09/2022

Phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển Thành phố Sáng tạo

Thành phố Hà Nội xác định các nguồn lực văn hóa chính là tiềm năng sáng tạo dồi dào để phát triển trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Vì vậy, phát huy các nguồn lực văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển Thành phố sáng tạo. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ tập trung phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng, phát triển Thành phố sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô.

Chú thích ảnh
Thành phố Hà Nội xác định các nguồn lực văn hóa là tiềm năng sáng tạo dồi dào để phát triển trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn lực văn hóa Hà Nội được khai thác xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo gồm: Nguồn lực con người (thể hiện qua sự sáng tạo của cá nhân, tổ chức, cộng đồng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về 7 lĩnh vực: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; thiết kế; điện ảnh; ẩm thực; văn học, nghệ thuật; truyền thông; âm nhạc); nguồn lực di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa; nguồn lực hạ tầng văn hóa (các địa điểm, các công trình có thể hình thành các không gian sáng tạo).

Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Hà Nội có nhiều giải pháp về cơ chế chính sách; công tác quy hoạch, kế hoạch; thu hút đầu tư; đào tạo, phát triển, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực văn hóa; xây dựng cơ sở lữ liệu, quảng bá hình ảnh. Đối với các sáng kiến, chương trình Hà Nội đề ra trong Hồ sơ đăng ký gia nhập mạng lưới Thành phố Sáng tạo, thành phố có những giải pháp thực hiện cụ thể để đảm bảo đúng cam kết đưa ra.

Sau hơn 2 năm tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội từng bước phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hà Nội đang tích cực khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, đa phần sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, thành phố chưa có Trung tâm sáng tạo, chưa có Megashow. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa mới chủ yếu là quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. So với các Thành phố sáng tạo khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới, các hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội có khoảng cách khá xa.

Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong Hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo; Diễn đàn mạng lưới Thành phố Sáng tạo Đông Nam Á; Mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ...

Nguyên nhân do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhiều năm liền. Đồng thời, thành phố chưa có những chính sách hiệu quả nhằm huy động nguồn đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa cũng như phát triển Thành phố Sáng tạo. Số lượng các dự án liên quan đến Thành phố Sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn ít, chưa đủ sức thâm nhập và tác động sâu rộng tới nhận thức của những người tham gia vào hoạt động quản lý sản xuất và dịch vụ văn hóa, cũng như với toàn xã hội.

Đinh Thuận (TTXVN)