06:17 29/06/2022

Phát hiện vụ lấn chiếm đất rừng với diện tích lớn tại huyện Phù Mỹ, Bình Định

Trong vai một người dân đi mua đất rừng, phóng viên TTXVN đã ghi nhận vụ việc lấn chiếm đất rừng với diện tích khá lớn xảy ra tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (Bình Định), trong đó có đất rừng được quy hoạch chức năng sản xuất, phòng hộ và rừng tự nhiên. Bước đầu, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định xác nhận có vụ việc trên và đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Lấn chiếm đất rừng, tự ý chuyển nhượng

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích đất rừng được quy hoạch phòng hộ bị người dân lấn chiếm để trồng keo. 

Những ngày đầu tháng 6/2022, phóng viên TTXVN nhận được tin báo về việc một số người dân tại xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) đã thực hiện việc lấn chiếm đất rừng tại khu vực hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài và núi Hòn Vung (thuộc thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp) để trồng và khai thác keo từ năm 2014 đến nay. Một số trường hợp còn tiến hành mua bán, chuyển nhượng diện tích đất rừng đã lấn chiếm.

Trong vai một người đi mua đất rừng, phóng viên tiếp cận được một người đàn ông tên Vương (ở thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp) có đất rừng tại khu vực hồ Trí Hòa muốn bán. Người này cho biết đã thực hiện việc lấn chiếm đất rừng, trong đó có hơn 10 ha đất rừng đã phát dọn và trồng keo từ nhiều năm nay. Một số diện tích keo đã được thu hoạch, một số diện tích keo khác mới trồng. Người này cho biết sẽ bán lại diện tích đất rừng đã lấn chiếm trồng keo với giá 120 triệu đồng/ha.

Ghi nhận thực tế, khu vực xung quanh hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài và núi Hòn Vung có nhiều diện tích đất rừng đang được trồng keo để khai thác. Đặc biệt, khu vực đầu nguồn hồ Trí Hòa vốn là khu vực quy hoạch cho rừng phòng hộ cũng bị lấn chiếm để trồng keo. Nhiều cây gỗ rừng có đường kính từ 10-20 cm bị chặt phá, nằm ngổn ngang. Cây keo được trồng ngay trên diện tích cây rừng vừa bị chặt.

Nhiều người dân tại xã Mỹ Hiệp bức xúc cho biết, việc lấn chiếm đất rừng xảy ra tại khu vực hồ Trí Hòa, dốc Suối Dài và núi Hòn Vung diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay nhưng không được giải quyết dứt điểm. Việc cho xe cơ giới và máy móc lên núi để làm đường, khai thác, vận chuyển keo diễn ra rầm rộ đã ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Chú thích ảnh
Một gốc cây rừng bị chặt phá. 

Sau khi phóng viên phản ánh vụ việc lấn chiếm đất rừng xảy ra tại xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), ngày 29/6, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã có buổi làm việc với phóng viên TTXVN và xác nhận sự việc trên là đúng sự thật.

Ông Lê Đức Sáu cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ phóng viên, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm Phù Mỹ vào cuộc xác minh tình trạng lấn chiếm đất rừng xảy ra trên địa bàn. Tại khoảnh 2, tiểu khu 208, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, cơ quan chức năng phát hiện người dân trồng rừng trái phép trên diện tích 11,51 ha đất rừng được quy hoạch chức năng sản xuất, phòng hộ và rừng tự nhiên.

Người dân lấn chiếm, trồng rừng trái phép trên đất rừng được quy hoạch chức năng phòng hộ với diện tích 0,5 ha; trồng trên đất rừng được quy hoạch chức năng sản xuất với diện tích 9,42 ha; trồng trên đất rừng tự nhiên là 1,59 ha. Tại những diện tích lấn chiếm, các đối tượng đã chặt bỏ toàn bộ cây gỗ có đường kính gốc sát mặt đất từ 8-20 cm, để lại cây gỗ lớn có đường kính ngang ngực từ trên 20 cm và trồng xen cây keo lai vào rừng tự nhiên.

Kiểm tra hiện trường, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ đã điều tra, xác minh các trường hợp có liên quan đến việc trồng cây lâm nghiệp trái phép tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ.

Đó là các ông Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1957) và Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1971), cùng trú tại thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp. Hai ông này đã chiếm một lô đất tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 (chưa xác định được diện tích) từ năm 2005 và đã chuyển nhượng cho ông Hà Văn Thanh (sinh năm 1970, trú tại thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp).

Ông Hà Văn Thanh ngoài việc nhận chuyển nhượng đất của ông Minh và ông Tiến còn nhận chuyển nhượng đất của ông N.V.L (đã chết) vào năm 2014. Việc chuyển nhượng đất chỉ được thực hiện với hình thức viết giấy tay. Ông Thanh đã tiến hành trồng cây keo và bạch đàn trên đất. Tổng diện tích Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ kiểm tra hiện trường đo đạc được là 7,46 ha.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Châu Thanh Vương (sinh năm 1989, trú tại thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp) thừa nhận có 3,44 ha rừng trồng cây keo lai tại khoảnh 2a, tiểu khu 208. Trong đó, ông Vương trồng xen cây keo lai vào 1,59 ha rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ và lấn chiếm 1,85 ha đất quy hoạch phát triển rừng để trồng cây keo lai. Trong 1,59 ha đất rừng được quy hoạch chức năng phòng hộ, ông Vương khai nhận có thực hiện việc chặt cây gỗ rừng tự nhiên với đường kính gốc sát mặt đất từ 8-20 cm vào các năm 2014 và 2021.

Chú thích ảnh
Người dân chặt phá cây rừng để trồng keo.

Kết quả kiểm tra hiện trường của Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ cho thấy, trong 1,59 ha rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ bị ông Châu Thanh Vương lấn chiếm có 0,67 ha còn dấu vết cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt phá, diện tích còn lại đã mất dấu tích cây rừng bị chặt phá.

Làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Hiệp cho biết, diện tích đất quy hoạch chức năng phát triển rừng và rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 là do Ủy ban nhân dân xã Mỹ Hiệp quản lý, bảo vệ.

Ngày 20/1/2022, Ủy ban nhân dân xã Mỹ Hiệp đã kiểm tra và phát hiện ông Châu Thanh Vương chặt cây gỗ rừng tự nhiên và dây leo, cây bụi để trồng keo. Lãnh đạo xã đã mời ông Vương làm việc và yêu cầu nhổ bỏ hết số cây trồng trái phép. Tuy nhiên, ông Vương không chấp hành. Do vậy, địa phương đã xây dựng kế hoạch, thực hiện phá bỏ số cây này. Vì điều kiện địa hình dốc cao, đi lại khó khăn, lực lượng tham gia còn mỏng nên chưa thể phá bỏ hết số cây keo do ông Vương trồng trái phép.

Đối với diện tích đất rừng quy hoạch chức năng sản xuất đã bị người dân lấn chiếm để trồng cây keo, bạch đàn, ông Lê Thái Bình cho hay, đến nay vẫn chưa tìm ra được đối tượng đã trồng cây trên diện tích này để xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định chia sẻ, do địa bàn rộng lớn, việc quản lý đất rừng còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc đo đạc để triển khai chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc chưa được chính xác. Hiện tại, tỉnh Bình Định vẫn chưa có kinh phí lập bản đồ địa chính để giao cho các chủ rừng và hộ gia đình. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng quá mỏng, không thể tuần tra hết diện tích rừng. Do vậy, việc lấn chiếm đất rừng có xảy ra ở một số nơi, trong đó có vụ việc tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ.

Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Bình Định sẽ chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý vụ việc. Về thông tin có cán bộ xã Mỹ Hiệp tham gia lấn chiếm đất rừng tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, ông Lê Đức Sáu cho biết, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra làm rõ, khi có kết quả sẽ cung cấp cho báo chí.

Theo ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Mỹ, vụ việc lấn chiếm đất rừng xảy ra tại xã Mỹ Hiệp rất phức tạp. Hiện địa phương đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh điều tra làm rõ. Quan điểm của lãnh đạo huyện là sẽ xử lý nghiêm để răn đe và không có vùng cấm.

Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin vụ việc này.

Bài, ảnh: Tường Quân (TTXVN)