07:10 10/07/2019

Phát hiện phóng xạ rò rỉ từ tàu ngầm Liên Xô nằm sâu dưới đáy Bắc Băng Dương

Vụ chìm tàu ngầm Komsomolets năm 1989 khiến 42 thủy thủ thiệt mạng là một trong những tai nạn bi thương nhất của Hải quân Xô Viết.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm hạt nhân Komsomolets chìm sâu dưới vùng biển Bắc Cực năm 1989. Ảnh: RT

Các nhà nghiên cứu Na Uy tuyên bố đã phát hiện rò rỉ phóng xạ từ tàu ngầm hạt nhân Komsomolets của Liên Xô chìm sâu dưới vùng biển Bắc Cực năm 1989.

Theo đài truyền hình quốc gia Na Uy NRK, nhóm nghiên cứu đã lấy được mẫu nước từ ống thông gió của tàu ngầm. Mặc dù hai mẫu trước không tìm thấy rò rỉ phóng xạ nào, song mẫu thứ ba có dấu hiệu cho thấy mức độ phóng xạ cao hơn 100.000 lần so với nước biển thông thường.

“Đó là kết quả sơ bộ. Chúng tôi sẽ kiểm tra các mẫu kỹ lưỡng hơn khi về nước. Mức độ chúng tôi tìm thấy ở đây là 100 bq/lít (bq viết tắt của becquerel, là đơn vị đo cường độ phóng xạ)”, nhà nghiên cứu Hilde Elise Heldal thuộc Viện nghiên cứu hải dương giải thích.

Cách đó 2 hôm, các nhà nghiên cứu của Nga và Na Uy đã cùng nhau thực hiện chuyến thám hiểm chung để đo mức độ rò rỉ phóng xạ từ tàu Komsomolets. Tàu nghiên cứu Na Uy G.O. Sars khởi hành từ một bến cảng ở Tromsø.

Chú thích ảnh

Do tàu ngầm nằm ở độ sâu 1.700 mét, việc thu thập các mẫu nước biển trong tàu ngầm được coi là một thách thức. Các nhà nghiên cứu phải sử dụng tàu ngầm mini Ægir 6000 do Na Uy chế tạo để chụp ảnh hiện trường.

Nhà nghiên cứu Heldal cho biết cô không ngạc nhiên trước kết quả tìm được. Một chuyến đi của các nhà nghiên cứu Nga vào năm 2007 cũng phát hiện có hiện tượng rò rỉ phóng xạ từ tàu ngầm chìm dưới biển sâu.

Cận cảnh tàu ngầm ở độ sâu 1.700m tại Bắc Băng Dương lần đầu được tiết lộ (nguồn: RT):

Các cuộc khảo sát trước đây giai đoạn 1991-1993 của Na Uy cũng tìm thấy nồng độ chất phóng xạ Caesium-137 tăng cao trong nước biển xung quanh xác tàu chiến này. Kể từ năm 1990, mỗi năm Na Uy đều khảo sát phóng xạ xung quanh Komsomolets.

“Điều quan trọng là duy trì việc giám sát để chúng tôi cập nhật tình hình ô nhiễm ở khu vực xung quanh xác tàu. Việc giám sát giúp đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng đối với ngành công nghiệp đánh cá Na Uy”, nhà nghiên cứu Hilde Elise Heldal cùng trong nhóm thực hiện nhiệm vụ giải thích.

Tàu ngầm hạt nhân Komsomolets của Liên Xô xảy ra thảm kịch và chìm vào ngày 7/4/1989 sau khi một đám cháy bùng phát trong khoang máy. Tàu ngầm bị chìm ở phía Tây Nam đảo Bjørnøya biển Na Uy. 42 trong tổng số 69 thủy thủ thiệt mạng. Komsomolets hiện nằm ở độ sâu 1.700 mét với lò phản ứng hạt nhân và hai quả ngư lôi.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức