07:13 08/07/2025

Phát hiện mới về điều kiện sinh tồn khắc nghiệt của các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời

Các nhà khoa học vừa phát hiện một hành tinh khí khổng lồ đang đối diện nguy cơ hủy diệt nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: kyatnightmagazine.com

Hành tinh này quay quá gần một ngôi sao trẻ, nóng và cực kỳ bất ổn, liên tục phun ra những cơn “bão lửa” khổng lồ - tức các vụ nổ năng lượng mạnh mẽ - có thể lột sạch khí quyển của hành tinh, khiến nó dần teo lại chỉ còn lõi khí nặng. Phát hiện này mang đến một cái nhìn sâu sắc về những điều kiện khắc nghiệt mà các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời có thể phải đối mặt.

Hành tinh đang gặp nạn có tên là HIP 67522 b, cách Trái Đất khoảng 407 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Centaurus. Tuy có kích thước gần bằng Sao Mộc - hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời - nhưng HIP 67522 b lại nhẹ hơn rất nhiều, chỉ bằng 5% khối lượng của Sao Mộc. Điều này khiến HIP 67522 b trở thành một trong những hành tinh “phồng” nhất từng được phát hiện: nhẹ và xốp như kẹo bông.

Điều đáng nói là hành tinh này quay quanh sao mẹ cực kỳ gần, chỉ mất 7 ngày để hoàn thành một vòng quay. Khoảng cách đó gần hơn 5 lần so với quỹ đạo của Sao Thủy quanh Mặt Trời. Chính vì ở quá gần, HIP 67522 b thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các vụ phun trào năng lượng siêu mạnh từ sao mẹ - những cơn “bão mặt trời” có thể kéo dài hàng triệu km ra không gian. Ngôi sao chủ HIP 67522 chỉ mới khoảng 17 triệu năm tuổi, vẫn còn rất trẻ so với Mặt Trời của chúng ta (hơn 4,5 tỷ năm tuổi). Theo các nhà thiên văn học, những sao trẻ như vậy thường rất "dữ dội", dễ nổi giận và HIP 67522 không phải ngoại lệ.

Một điều thú vị là chính sự hiện diện của hành tinh này có thể là nguyên nhân khiến sao mẹ bùng nổ dữ dội. Các nhà khoa học tin rằng khi hành tinh quay quanh ngôi sao, nó tương tác với từ trường mạnh mẽ của sao - giống như một con thuyền lướt qua mặt hồ, tạo ra những đợt sóng. Những “sóng từ” đó khi chạm vào lớp ngoài cùng của ngôi sao sẽ kích hoạt các vụ phun trào năng lượng cực mạnh.

Hiện tượng này chưa từng được quan sát trước đây với cường độ lớn như vậy. Theo nhà nghiên cứu Ekaterina Ilin (thuộc Viện Thiên văn Hà Lan), loại sóng này có thể là sóng Alfvén - được đặt tên theo nhà vật lý Thụy Điển đoạt giải Nobel Hannes Alfvén - vốn sinh ra khi từ trường tương tác với các hạt điện tích.

Khi các vụ nổ xảy ra, chúng khiến khí quyển của hành tinh nóng lên và phồng ra, đồng thời thổi bay dần các khí nhẹ như hydro và heli ra ngoài không gian. Nếu quá trình này tiếp diễn trong hàng trăm triệu năm, HIP 67522 b có thể bị mất gần hết lớp khí bao quanh, chỉ còn lại phần lõi dày đặc - trở thành một hành tinh loại “sub-Neptune” (nhỏ hơn sao Hải Vương).

Dữ liệu trong nghiên cứu này được thu thập từ 2 vệ tinh không gian: TESS của NASA và CHEOPS của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Khám phá HIP 67522 b cho thấy các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời có thể tồn tại trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt và khác biệt.

Mặc dù vậy, đối với các nhà khoa học, số phận của hành tinh này vẫn vô cùng hấp dẫn. Bà Ilin chia sẻ: “Dù không may mắn nhưng hành tinh đó vẫn rất thú vị. Sự đa dạng trong tự nhiên luôn là điều đáng trân trọng. Việc nó sẽ trở thành gì trong tương lai - một hành tinh sub-Neptune giàu vật chất nặng - cũng rất đáng để khám phá”.

Thanh Phương (TTXVN)