02:15 26/02/2021

Phát hiện kinh ngạc cây hóa thạch 20 triệu năm tuổi còn nguyên cả cành, rễ

Các nhà khoa học Hy Lạp đã có phát hiện kinh ngạc về một thân cây từ 20 triệu năm trước vẫn còn cả cành và hệ rễ sau khi hóa thạch bởi một vụ phun trào núi lửa.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cây hóa thạch "phi thường" tại khu vực khai quật trên đảo Lesbos. Ảnh: EPA

Theo CNN, Khu rừng Hóa thạch đảo Lesbos (Hy Lạp) đã được hình thành từ 20 triệu năm trước khi một núi lửa phun trào bao trùm vùng phía bắc của đảo, nhấn chìm cả khu vực trong tro bụi và dung nham. 

Khu vực trải rộng 15.000 hecta này nổi tiếng với những thân cây hóa thạch sinh động và đầy màu sắc. 

Nickolas Zouros, Giáo sư địa chất tại Đại học Aegean (Hy Lạp) cùng các cộng sự đã khai quật hệ sinh thái rừng hóa thạch này. Tuy nhiên Giáo sư Zouros phát biểu với CNN rằng ông chưa bao giờ chứng kiến một phát hiện nào đáng kinh ngạc như chiếc cây còn nguyên vẹn kể trên. 

"Chúng tôi đã có nhiều phát hiện trong những năm qua, nhưng phát hiện mới nhất này là quan trọng nhất – thực sự phi thường”, Giáo sư Zouros thốt lên. Các chuyên gia địa chất đã phát hiện chiếc cây khổng lồ, dài 19,6 mét, còn nguyên cả các cành và hệ rễ này trong một cuộc khai quật dọc theo cao tốc Kalloni-Sigri.

Xem video cây hóa thạch 20 triệu năm tuổi còn cả cành và rễ (Nguồn: Daily Mail)


“Đây không phải là điều thường thấy trong các cuộc khai quật. Chúng tôi thường chỉ tìm thấy những khúc gỗ không có cành và rễ”, Giáo sư Zouros cho biết.

“Đây là cái cây duy nhất được tìm thấy có cả cành và hệ rễ, được phát hiện nằm trên một lớp lá dày – chúng tôi đã có tất cả các bộ phận của cái cây nằm trong cả hệ thống khu vực. Đây là phát hiện độc nhất cho đến nay. Chúng tôi đã khai quật 25 năm qua và chưa bao giờ thấy một cái cây nào như vậy”, ông Zouros cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Các nhà khoa học cũng phát hiện vô số bằng chứng về thảm thực vật gồm cây lá kim, cây ăn quả và những cây sồi. Ảnh: Reuters

Các loại cây lá kim, cây ăn quả, cây sequoia, thông, cọ, quế và sồi cũng nằm trong số những loài thực phật được phát hiện tại Rừng Hóa thạch đảo Lesbos.

Khu rừng hóa thạch này đã được hình thành sau một vụ núi lửa phun trào, bao phủ khu vực bởi dung nham và tro bụi. 

"Những cây này cho thấy khí hậu đã thay đổi ở khu vực Lesbos - cây này là cây vùng cận nhiệt đới. Điều kiện khí hậu là cận nhiệt đới cách đây 20 triệu năm khi cây bị phá hủy do núi lửa phun trào. Ngày nay bằng cách nghiên cứu hệ thực vật này – khu rừng hóa thạch – chúng ta có thể có thêm hiểu biết về cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hệ sinh thái”, Giáo sư Zouros nói.

Ông Zouros cũng cho hay, các dữ liệu về thảm thực vật cho thấy một nửa số loài từng tìm được trên đảo đã tuyệt chủng ở đây.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia cho rằng trong 25 năm qua, họ chưa bao giờ tìm thấy một cái cây cổ đại phi thường đến vậy. Ảnh: Guardian

“Chúng không thể sốt sót trước biến đổi khí hậu. Đây là thông tin quan trọng mà chúng tôi có thể sử dụng để giải thích với du khách rằng biến đổi khí hậu đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng với các loài sinh vật sống ở nơi đây, với các hệ sinh thái hiện đại”, Giáo sư Zouros nói.

Ngoài hóa thạch cây “phi thường”, các chuyên gia Hy Lạp còn phát hiện hơn 150 thân gỗ tại một địa điểm khác, cách đó khoảng 200 km. 

Chú thích ảnh
Một cây hóa thạch khác ở Khu Rừng hóa thạch quốc gia đảo Lesbos. Ảnh: Reuters 
Chú thích ảnh
Các nhà khoa học vận chuyển cây hóa thạch tới địa điểm bảo tồn. Ảnh: Reuters

Chronis Tzedakis, Giáo sư địa vật lý tại Đại học London, nhận xét: “Phát hiện mới của Giáo sư Zouros thật tuyệt vời. Việc tìm lại một cái cây còn cả cành, rễ và lá là cực kỳ hiếm, trong khi 150 thân cây khác cùng được tìm thấy sẽ cung cấp một cái nhìn độc đáo tại một thời điểm, cho phép chúng ta đánh giá sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái”.

Thu Hằng/Báo Tin tức