05:09 27/05/2011

Phát hiện kim tự tháp ở Ai Cập nhờ vệ tinh NASA

Nhà khảo cổ học - giáo sư Sarah Parcak thuộc trường Đại học tổng hợp Alabama (Mỹ) đã phát hiện một “kho báu” khảo cổ, gồm 17 kim tự tháp và hàng nghìn ngôi mộ và nhà cổ tại Ai Cập, thông qua sử dụng hình ảnh từ một vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Nhà khảo cổ học - giáo sư Sarah Parcak thuộc trường Đại học tổng hợp Alabama (Mỹ) đã phát hiện một “kho báu” khảo cổ, gồm 17 kim tự tháp và hàng nghìn ngôi mộ và nhà cổ tại Ai Cập, thông qua sử dụng hình ảnh từ một vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Ảnh vệ tinh cho thấy một kim tự tháp bị chôn vùi. Nguồn: BBC

Trong hơn một năm, giáo sư Parcak đã sử dụng những hình ảnh từ một vệ tinh của NASA, chụp được nhiều ảnh có độ phân giải cao bằng tia hồng ngoại tại khu vực Saqqarah và Tanis, một khu vực khảo cổ quan trọng ở miền đông bắc Ai Cập. Vệ tinh của NASA có thể phân biệt được những đồ vật có đường kính dưới 1m trên mặt đất. Hình ảnh chụp bằng tia hồng ngoại còn phân biệt được nguyên vật liệu nằm ở dưới đất và làm nổi bật hình dạng của những ngôi nhà, ngôi mộ và đền thờ.

Giáo sư Parcak cùng các cộng sự đã khai quật trên những di chỉ này để kiểm định hiệu quả của những hình ảnh vệ tinh đối với công tác khảo cổ. Kênh truyền hình BBC (Anh), nhà tài trợ cho công tác khai quật, đã xác nhận một số di tích trong “kho báu” nói trên, trong đó có hai kim tự tháp.

Giáo sư Parcak, người tiên phong trong lĩnh vực khảo cổ không gian, cho biết bà đã từng không tin là có thể phát hiện ra nhiều di chỉ tại Ai Cập thông qua hình ảnh vệ tinh, nay thừa nhận công nghệ mới này có thể giúp loại bỏ những hạn chế của khảo cổ học truyền thống. Bộ phim tài liệu về việc khai quật “kho báu khảo cổ” ở Ai Cập của giáo sư Parcak sẽ được phát trên kênh truyền hình BBC vào ngày 30/6 tới.

Thanh Bình (P/v TTXVN tại Ai Cập)