07:16 13/07/2020

Phát hiện hàng loạt vụ kinh doanh hàng giả đăng bán trên Facebook

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, kiểm tra và thu giữ hàng nghìn sản phẩm nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu được đăng bán trên Facebook.

Qua thu thập thông tin qua mạng xã hội, Đội QLTT số 6 - Cục QLTT Hòa Bình chủ trì, phối hợp với phòng PC03 Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô BKS 29H-36775 do ông Vũ Anh Tuấn lái xe, chịu trách nhiệm hàng hóa là bà Phạm Thị Hoàn, Địa chỉ tổ 3, phường Tân Hòa, TP Hòa Bình (Hòa Bình).

Chú thích ảnh
200 bộ nồi inox bị thu giữ. Ảnh: QLTT

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 200 bộ nồi inox, mỗi bộ gồm có 6 sản phẩm, gồm 5 nồi và 1 chảo, nhãn hiệu Raisa Villa hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, trị giá hàng hóa vi phạm 107.400.000 đồng. 

Đoàn kiểm tra lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 13.750.000 đồng đối với bà Phạm Thị Hoàn về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. 

Tại Lạng Sơn, Tổ công tác địa bàn đã nắm bắt thông tin trên mạng xã hội Zalo, Facebook và tới hồi 10 giờ, ngày 7/7, Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an huyện Lộc Bình tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 2 cửa hàng kinh doanh mặt hàng Quần áo thời trang, địa chỉ: Kiốt số 3; Kiốt số 4 khu Lao Động, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Chú thích ảnh
Lực lượng QLTT thu giữ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: QLTT.

Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng thời trang nam Khanh Nguyễn có địa chỉ tại Kiốt số 4 đang cất giấu 49 sản phẩm gồm: quần soóc nam, bộ quần áo phông cộc tay, áo phông 3 lỗ cộc tay mang các nhãn hiệu: Nike, Adidas, Gucci, tổng trị hàng hóa tính theo giá niêm yết tại cửa hàng là 8,5 triệu đồng. Chủ hộ kinh doanh trên là bà Dương Thị Hồng, địa chỉ Thôn Khòn Quác 1, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình thường xuyên sử dụng địa chỉ Facebook “Dương Hồng” và Zalo để đăng bán các loại hàng hóa trên mạng xã hội.

Tại cửa hàng Quốc Anh Shop, có địa chỉ tại Kiốt số 3, đoàn kiểm tra phát hiện 46 sản phẩm gồm: Bộ quần áo phông nam cộc tay, áo phông 3 lỗ cộc tay, quần soóc nam người lớn mang các nhãn hiệu: Nike, Adidas, tổng trị hàng hóa tính theo giá niêm yết tại cửa hàng là 8 triệu đồng, được chủ hộ kinh doanh Hoàng Thị Tuyến địa chỉ số 53 khu Minh Khai, thị trấn Lộc Bình sử dụng mạng xã hội Facebook “Tuyền Sầu ” và ZaLo số điện thoại 0918.241.866 để quảng cáo và đăng bán.

Toàn bộ số hàng hóa tại 2 cửa hàng trên không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính, Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật có dấu hiệu vi phạm tại 2 cửa hàng trên, đồng thời gửi đại diện chủ sở hữu quyền giám định, tiếp tục xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan để xử lý vụ việc theo quy định.

Còn tại Lào Cai, lực lượng QLTT đã phát hiện và thu giữ hàng chục vạn mặt hàng nhập lậu, giả tại được bán công khai trên Facebook.

Theo đó, chiều ngày 7/7, Tổng Cục QLTT phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công An đã tấn công vào Tổng kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai do ông Trần Thành Phú, sinh năm 1992 có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai cùng em gái của mình điều hành kho hàng. Sau thời gian hơn 6 tháng lực lượng chức năng dùng nhiều biện pháp điều tra để theo dõi liên tục truy tìm đường đi của việc nhập hàng, xuất hàng của Tổng kho này.

Chú thích ảnh
Số hàng hóa thu giữ tại cơ sở bán hàng nhập lậu tại Lào Cai. Ảnh: QLTT.

Tại thời điểm kiểm tra, gần 100 cảnh sát cơ động và lực lượng Tổng Cục quản lý thị trường đã ập vào kho hàng có 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy Đồng giá...

Các mặt hàng tại kho này đều là giầy dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm .... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Gucci, Chanel, Adidas...

Theo khai nhận ban đầu của các nhân viên này, hàng ngày cơ sở này chốt được hàng trăm đơn hàng. Sau khi livestream bán hàng thì các đơn hàng này sẽ được hơn 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn hàng bằng phần mềm chuyên nghiệp, quản lý tập trung. Sau khi chốt các đơn hàng của khách hàng trên Facebook, hàng hóa sẽ được gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát. 

Tổng cục QLTT đánh giá, đây là hoạt động có đường dây, ổ nhóm được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hoá từng khâu, phân công giữa các thành viên phối hợp nhịp nhàng. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc  bán hàng trên các nền tảng Internet bao gồm cả bán buôn, bán lẻ. Việc đầu tư các trang thiết bị livestream cũng rất rẻ tiền, thô sơ, nhưng được thúc đẩy bởi các nền tảng mạng xã hội của thế giới nên lượng chốt đơn hàng rất cao.

Hiện toàn bộ kho hàng đã bị thu giữ và kiểm đếm, đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo để xử lý nhóm đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

Thu Trang/Báo Tin tức