07:08 04/07/2012

Phát hiện dấu tích thời tiền sử tại Bắc Kạn

Trong đợt điều tra khảo sát khảo cổ học tại một số xã thuộc huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), cán bộ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện một số dấu tích của thời tiền sử tại hang Nà Mò, thôn Nà Cà, xã Hương Nê.

Trong đợt điều tra khảo sát khảo cổ học tại một số xã thuộc huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), cán bộ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện một số dấu tích của thời tiền sử tại hang Nà Mò, thôn Nà Cà, xã Hương Nê.


Hang Nà Mò thuộc địa phận thôn Nà Cà, xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Nà Mò - theo tiếng địa phương có nghĩa là “ruộng bò”. Đây là một hang lớn nằm trên sườn dãy núi đá vôi, hang cao khoảng 15 m so với chân núi. Tại khu vực gần cửa hang, đoàn khảo sát đã tiến hành đào thám sát một hố rộng 2,5 m2.

Kết quả khảo sát bước đầu: Xương người, xương răng động vật, công cụ chặt thô, thổ hoàng, chày nghiến.

 

Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy dấu tích của người nguyên thủy ở khu vực giữa hang. Đoàn cũng đã phát hiện hàng chục di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá. Qua mặt cắt địa tầng cho thấy di tích có hai tầng văn hóa phát triển trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách. Đó là lớp văn hóa sớm nằm ở phía dưới dày gần 1 m, chứa nhiều công cụ lao động như công cụ chặt đập, công cụ nạo cắt, cuốc tay, đá nguyên liệu..., tất cả đều được chế tác từ những viên cuội ở sông suối và bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ. Loại hình công cụ này mang đặc trưng công cụ văn hóa Hòa Bình muộn như công cụ rìu ngắn, công cụ hình bầu dục. Trong lớp văn hóa muộn dày gần 20 cm nằm ở bên trên, ngoài những công cụ đá cuội ghè đẽo đã tìm thấy đồ gốm thô dày nguyên thủy được nặn bằng tay, nhiệt độ nung thấp, bên ngoài có trang trí hoa văn.


Hầu hết các lớp văn hóa đều tìm thấy dếu vết của bếp lửa, với lớp than tro dầy, đất đỏ cháy. Trong các lớp văn hóa tìm thấy khối lượng lớn xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể sông suối như ốc, trai, trùng trục. Đặc biệt khảo sát bước đầu cũng đã phát hiện được một ngôi mộ ở vị trí sâu nhất của tầng văn hóa. Mộ được đánh dấu bằng 3 tảng đá xếp cạnh nhau. Xương cốt chủ nhân ngôi mộ được xếp thành một cụm, có chôn kèm theo một công cụ đá, không tìm thấy hộp sọ. Toàn bộ xương có dấu vết nhuộm mầu đỏ của thổ hoàng.


PGS, TS Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo sát cho biết, dựa vào kết cấu trầm tích địa tầng văn hóa, hang Nà Mò là một di tích cư trú của nhiều thế hệ cư dân nguyên thủy. Lớp cư trú sớm nhất thuộc cư dân văn hóa Hòa Bình muộn, có niên đại cách ngày nay khoảng 6.000 - 7.000 năm, lớp cư trú muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm.


Minh Thúy