12:22 07/12/2011

Phát hiện dấu tích nền điện Kính Thiên thời Lê Sơ

Với năm hố khai quật với tổng diện tích 100 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích của điện Kính Thiên thời Lê Sơ tuy chúng không còn nguyên vẹn do được sửa chữa thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn.

Sáng 6/12, Viện Khảo cổ học và Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa Thành cổ Hà Nội đã báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ học khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2011. Với năm hố khai quật với tổng diện tích 100 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích của điện Kính Thiên thời Lê Sơ tuy chúng không còn nguyên vẹn do được sửa chữa thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn.

Diện tích nhỏ, ý nghĩa lớn


Vì là khai quật thăm dò nên diện tích được đào cũng rất nhỏ bao gồm 2 hố mỗi hố 10 m2, 2 hố mỗi hố 20 m2 và 1 hố 40 m2. Và cũng do thăm dò cộng với diện tích hố rất nhỏ nên các nhà khoa học cũng chưa đào tới lớp văn hóa Lý - Trần, do đó đương nhiên chưa đào tới sinh thổ.

PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: “Do tính chất của công việc quá quan trọng, lại là lần đầu tiên chạm đến chỗ thiêng liêng nhất của kinh thành Thăng Long nên chúng tôi thực hiện công việc rất cẩn trọng. Sau hai tháng khai quật tại 5 điểm, các nhà khoa học cũng chỉ mới đào sâu xuống 1m so với mặt đất và chưa tiếp cận được lớp sinh thổ”.

PGS.TS Tống Trung Tín đang thuyết minh ở một hố khai quật.


“Mặc dù diện tích nhỏ nhưng lần khai quật này được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu dấu tích kiến trúc và quy mô của Hoàng thành Thăng Long xưa”, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa đánh giá.

Tầng văn hóa thời Lê Sơ thể hiện rõ nét ở dấu tích của đan trì (sân rồng dành cho vua quan nhà Lê), được xây dựng bằng gạch vồ có niên đại kéo dài từ thời Lê Sơ đến thời Lê Trung Hưng chìm sâu 1m so với bề mặt. Loại sân nền này có quy mô bao gồm toàn bộ khu vực từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên. Đặc biệt, phía dưới nền điện Kính Thiên có xuất hiện 3 dấu tích móng đầm kiến trúc dài 4,2m.

Những phát hiện ở thềm điện Kính Thiên này cũng tương đương với ghi chép trong lịch sử về những lần điện được sửa chữa. Dấu tích giúp các nhà khảo cổ đưa ra giả thuyết về việc chúng đã được sửa thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Vào thời Lê Trung Hưng, điện đã được tu sửa nâng cao các thành bậc và giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tới thời Nguyễn khu vực thềm bậc được gia cố 2 lần. Một để đầm gia cố móng bằng gạch ngói vụn, một để xây dựng nền bằng gạch Bát Tràng hình vuông.

Đặc biệt, đối chiếu với những bức ảnh chụp của Pháp và kết quả khảo cổ, các nhà khoa học đi đến khẳng định: Dù điện Kính Thiên có niên đại từ thời Lê Sơ nhưng quy mô nền điện hiện nay lại thuộc về thời Nguyễn.

Theo đánh giá của GS Phan Huy Lê, kết quả đào thám sát các hố khai quật đã làm rõ diễn tiến của khu vực khai quật từ thế kỷ 15 cho đến nay, đặc biệt là thời kỳ Lê Sơ. Chúng càng chứng tỏ vai trò trung tâm quyền lực của Hoàng thành Thăng Long qua nhiều thế kỷ.

Kế hoạch khai quật năm 2012

Mặc dù vậy, diện tích khai quật còn nhỏ lại chưa đào sâu khiến muốn có những hình dung lớn hơn về điện Kính Thiên là rất khó. GS Lưu Trần Tiêu khẳng định kết quả khai quật cũng cho thấy bên trong khu vực Hoàng thành Thăng Long còn rất nhiều nghi vấn cần phải làm sáng tỏ để trả lại diện mạo nguyên vẹn cho một giai đoạn lịch sử dài.

Đặc biệt, TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) đặt vấn đề về việc nghiên cứu khảo cổ học từ thế kỷ 20. Chẳng hạn với khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong đó có điện Kính Thiên, chúng ta còn cần liên kết nghiên cứu với các nhà nghiên cứu lịch sử, và lịch sử quân đội.

Việc xử lý các hố khai quật cũng được bàn thảo tại cuộc hội thảo trên. GS Phan Huy Lê và một số nhà khoa học đề nghị nên giữ lại một hố khai quật thể hiện rõ nhất diễn tiến văn hóa từ thời Lê Sơ. “Chúng ta phải giải quyết khó khăn lớn nhất là gia cố thế nào để tránh ngập nước. Nhưng nếu lấp tất cả đi sẽ rất đáng tiếc đặc biệt là khi khu vực điện Kính Thiên (số 9 Hoàng Diệu) lại thể hiện rất rõ thời kỳ từ Lê Sơ đến hiện tại”, GS Phan Huy Lê nói.

Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thế Hùng (Cục trưởng Cục Di sản văn hóa) cho rằng nên “tạm thời lấp đi đến khi có hiểu biết rộng hơn và khai quật đủ thì khi đó mới lên kế hoạch bảo tồn tổng thể”.

Đặc biệt, một câu hỏi đã được trao đổi bên lề hội thảo là liệu có đủ tư liệu để phục dựng điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên giờ trong tình trạng nền điện còn đó và vẫn còn một bức ảnh do người Pháp chụp. Mặc dù vậy, bức ảnh đó chụp vào thời nhà Nguyễn chứ không phải điện Kính Thiên của Cấm thành Thăng Long xưa.
Sử sách chỉ rõ, năm 1816 điện Kính Thiên đã sụp đổ và vua Gia Long đã cho hủy bỏ điện này để xây hành cung. Từ bức ảnh đó để phục dựng lại hành cung đã khó, phục dựng lại điện Kính Thiên còn khó hơn. Cần khai quật khảo cổ ở xung quanh nền điện Kính Thiên để hiểu được kết cấu của điện. Trước mắt có thể phục dựng lại trên không gian 3D, từ đó bổ sung dần, sau đó phục dựng lại trên thực tế, với sự tham gia của các chuyên gia, nhất là các chuyên gia quốc tế.

Về băn khoăn này, GS Tiêu cho rằng, không nên vội vàng nghĩ đến phục dựng khi nghiên cứu khảo cổ chưa được thực hiện.

TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm cũng cho biết, trung tâm có thể sẽ đưa kế hoạch khai quật tiếp theo vào kế hoạch năm tới.

Cầm Trang