12:06 23/12/2017

Phát hiện, can thiệp sớm sẽ nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ

Các nhà khoa học, thầy cô giáo mầm non, tiểu học và chính các thành viên Hội Người khuyết tật cùng khẳng định việc nâng cao khả năng tiếp cận cho giáo dục cho trẻ khuyết tật có thể thực hiện bằng sự kết nối quan hệ hợp tác của cơ quan nhà nước và Hội Người khuyết tật.

Ba năm phát hiện sớm 400 trẻ khuyết tật

Hiện nay, việc xác định mức độ khuyết tật đặc biệt là nhóm trẻ rối loạn phát triển còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, với trẻ khuyết tật (TKT), việc phát hiện, can thiệp sớm đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ.

Bà Nguyễn Hồng Giang đại diện ban quản lý dự án chia sẻ về những bài học kinh nghiệm sau 3 năm thực hiện dự án.

Đứng trước thực tế này, Tổ chức Caritas Thụy Sỹ và Caritas Na Uy phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hội Người khuyết tật (NKT) Việt Nam thực hiện dự án “Tăng cường quan hệ đối tác giữa nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm nâng cao tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật, giai đoạn 2014-2017” trong thời gian 3 năm.

Dự án gồm 2 hoạt động chính là: Phát hiện, can thiệp sớm đối với TKT và hoạt động giáo dục hòa nhập. Địa bàn triển khai của dự án tại một số xã, thị trấn của Hà Giang và Hà Nội.
 
Sau thời gian thực hiện dự án, Hội NKT ở các địa phương đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức 4 đợt khám sàng lọc, họp Hội đồng xác định dạng tật và mức độ tật. Theo đó, ít nhất có 400 TKT được phát hiện những khó khăn và khiếm khuyết, được dự án hỗ trợ trực tiếp; 154 trẻ em được cấp Giấy xác định dạng, mức độ khuyết tật.

Trên địa bàn Hà Nội và Hà Giang đã đưa vào hoạt động 7 phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập; tập huấn cho giáo viên dạy TKT về kiến thức, kỹ năng, xây dựng kế hoạch giáo dục… Thông qua các hoạt động, hợp phần của dự án đã tác động trực tiếp vào việc phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập; thúc đẩy quyền được giáo dục của TKT thông qua nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội; thực hiện Công ước về quyền trẻ em trên địa bàn.

Tại Hội nghị Tổng kết, các đại biểu đề cập đến tầm quan trọng của việc phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập TKT. Trong đó, đóng góp rất lớn vào việc phát hiện sớm và can thiệp sớm là từ các thầy cô giáo và sự tham gia của Hội NKT địa phương.

Ông Lê Văn Bác, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Giang cho biết, trước đây các gia đình thường giấu mọi người về khuyết tật của trẻ. Tuy nhiên, với sự thấu hiểu và tham gia của Hội NKT, các gia đình đã hợp tác để đưa trẻ đi khám sàng lọc. Theo ông, trong số 166 trẻ được phát hiện những khó khăn và khiếm khuyết tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng nhờ sự vào cuộc của Hội NKT ở địa phương này.

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT Hà Nội cũng khẳng định giáo viên là người nắm sát tình hình học tập và diễn biến tâm lý của học sinh sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và cùng với cơ quan giám định mức độ khuyết tật. Cùng với đó, Hội NKT sẽ là cơ quan phối hợp các sở ngành y tế, giáo dục, nhà trường và gia đình để cùng giúp tiến hành các bước can thiệp sớm nhằm giúp đỡ các em học sinh. Đây cũng là một cách làm nhằm duy trì sự hỗ trợ cho TKT được bền vững.

Bà Nguyễn Hồng Giang, Đại diện Tổ chức dự án Caritas Thụy Sỹ cho biết, dự án đã thu được những thành công ngoài mong đợi khi sắp tới đây, tỉnh Hà Giang sẽ tiến hành đưa mô hình phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập TKT áp dụng tại tất cả các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả từ xây dựng mô hình Phòng giáo dục hòa nhập
 
Một trong những mô hình giáo dục hòa nhập được xem là hiệu quả cho TKT tại địa phương là triển khai phòng giáo dục hòa nhập ngay tại trường học. Đây là một cách làm được dự án triển khai và thu được những hiệu quả tích cực.

Thầy Nguyễn Văn Oánh chia sẻ kinh nghiệm dạy TKT hòa nhập tại Trường Tiểu học Yên Bình.

Trong một điều tra độc lập về hiệu quả của dự án, một phụ huynh học sinh tại tỉnh Hà Giang chia sẻ do con bị tự kỷ, tăng động mất tập trung, gia đình đã phải đưa cháu xuống Hà Nội điều trị và học lớp chuyên biệt của một trường tư. Trải qua 3 năm, gia đình gần như khánh kiệt khi mất tới 280 triệu đồng tiền điều trị cho con. Mỗi  tháng ở Hà Nội gia đình mất từ 20-25 triệu đồng vì thế trường học ở Hà Nội nói nếu không có điều kiện thì mỗi năm chỉ đưa con xuống Hà Nội khoảng 3 tháng. Gia đình cũng chuẩn bị bán nhà để điều trị cho con.

“Thật may mắn khi đưa con về quê, chúng tôi tìm đến được phòng hòa nhập, và may mắn nhất là gặp được thầy Oánh. Trộm vía, con chúng tôi còn tiến bộ nhanh hơn cả hồi dưới Hà Nội. Cháu rất yêu thầy Oánh và hôm nào được học với thầy về cũng kể chuyện thầy Oánh” – phụ huynh trong câu chuyện chia sẻ.

Phòng giáo dục hòa nhập là mô hình phòng học dành cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Với cách làm này, TKT vẫn được đặt trong môi trường hòa nhập là môi trường trường học nói chung nhưng có cách hoạt động can thiệp hỗ trợ theo cá nhân hay nhóm trẻ, thực hiện các hoạt động trị liệu... Với cách làm này tại địa phương, TKT sẽ được can thiệp sớm và kịp thời trong khi lại có thể giảm chi phí cho gia đình.

Gặp gỡ thầy Nguyễn Văn Oánh (Trường Tiểu học Yên Bình, Quang Bình, Hà Giang) - người thầy đã triển khai thành công mô hình phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập TKT thông qua Phòng giáo dục hòa nhập tại buổi tổng kết dự án, thầy cho biết: Là người trực tiếp đứng lớp, tôi phát hiện ra các học sinh có biểu hiện chậm phát triển về trí tuệ hơn các bạn. Sau khi thực hiện bài khảo sát Toán – Tiếng Việt cho các em học sinh, tôi đã phát hiện hạn chế của các em và hướng dẫn gia đình lập hồ sơ xin xác định mức độ khuyết tật. Trong năm 2016, tôi đã cùng phát hiện và hỗ trợ cơ quan chức năng xác định mức độ khuyết tật của 12 em học sinh do chính mình dạy và các thầy cô khác thấy phương pháp của tôi nên đến nhờ cậy.

Hiện nay, Phòng giáo dục hòa nhập Trường Tiểu học Yên Bình nơi thầy Oánh giảng dạy có 3 giáo viên hỗ trợ cho  học sinh. Theo thầy Oánh, chính tình yêu thương, sự tâm lý, gần gũi với trẻ đã kéo TKT đến gần hơn với người thầy. Từ đó, kiến thức được đưa vào các trò chơi không khô cứng, thầy cũng phải chơi cùng trò. Vì vậy, giáo viên dạy TKT có lẽ vất vả hơn bình thường và cũng phải là những người am hiểu về tâm lý. Với mô hình này, người thầy giáo sẽ lên kế hoạch giảng dạy chi tiết cho từng trẻ, sau đó, mỗi buổi học sẽ là một bản đánh giá để tăng sự chính xác về năng lực tiếp thu giáo dục của TKT. Công việc bộn bề  hơn nhưng việc giúp trẻ hòa nhập sẽ còn tiếp tục thầy và các thầy cô giáo duy trì bằng cả trái tim.

GS.TS. Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Trưởng ban quản lý dự án bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được những hợp tác, hỗ trợ quý báu của các đơn vị trong thời gian tới để đưa mô hình phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập TKT đi sâu vào cuộc sống, tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng cho trẻ em khuyết tật.

Hoàn tất 3 năm thực hiện, dự án “Tăng cường quan hệ đối tác giữa nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm nâng cao tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật” cũng đóng góp từ thực tiễn vào việc sửa đổi Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGD ĐT ngày 28/12/2012. Cụ thể Thông tư quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã thực hiện cần được bổ sung, chỉnh sửa để đưa trẻ rối loạn phổ tự kỷ và trẻ có khó khăn đặc thù về học tập vào một dạng khuyết tật cho phù hợp với nhu cầu thực tế của Việt Nam cũng như thống nhất với cách phân loại, xác định dạng tật và mức độ tật tại các nước trên thế giới.


Lê Sơn/Báo Tin tức