05:12 09/05/2014

Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững

Với chủ đề "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc", các đại biểu tập trung nêu bật sự quan tâm của cộng đồng Phật giáo tới các vấn đề thời sự toàn cầu; nêu đề nghị với lãnh đạo các quốc gia đẩy mạnh chống lại nghèo đói, bệnh tật...

Tiếp tục chương trình Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2014, ngày 9/5, các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự 5 diễn đàn hội thảo với các chủ đề: Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Phật giáo xây dựng hòa bình thế giới; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.

Với chủ đề của Đại lễ Vesak 2014 "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc", tham luận của các đại biểu tập trung nêu bật sự quan tâm của cộng đồng Phật giáo tới các vấn đề thời sự toàn cầu; nêu đề nghị đối với lãnh đạo các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đẩy mạnh việc thực hiện cam kết chống lại nghèo đói, bệnh tật, thất học, suy thoái môi trường và phân biệt đối xử với phụ nữ…

Không chỉ luận bàn các vấn đề học thuật, các chuyên gia, học giả còn gửi gắm lời nguyện cầu cao đẹp về một thế giới hòa bình, hòa hợp, hướng tới sự phát triển bền vững cho nhân loại vào các nghi lễ tâm linh Phật giáo; đánh giá cao việc Ban Từ thiện xã hội thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam dành 1 tỷ đồng ủng hộ người dân gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Quang cảnh Hội thảo Hội ứng Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN


Đối với thông điệp "Vì phát triển môi trường bền vững", Ban Tổ chức Đại lễ không chỉ dừng ở nghi lễ phát động người dân trồng thêm nhiều cây xanh mà còn thể hiện trong từng hành động cụ thể, vận động tín đồ, Phật tử và du khách bỏ rác đúng nơi quy định, cùng chung tay dọn dẹp, làm sạch khuôn viên ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đức Phật cho rằng: Trong suốt hơn 40 năm thuyết pháp độ sinh, đức Phật như một vị lương y đại tài, tùy theo căn cơ, trình độ của chúng sinh mà nói ra vô lượng các pháp môn tu. Pháp môn tuy nhiều nhưng không ngoài mục đích chuyển mê khai ngộ cho tất cả chúng sinh, đem lại cuộc sống an vui cho nhân loại.

Diễn giả Gasbor Kovacs chia sẻ, hiện tại thế giới đang phải đương đầu với các vấn nạn về suy thoái đạo đức lối sống, sử dụng công nghệ thiếu sự kiểm soát, bạo lực và bạo động, nghèo đói gia tăng, giáo dục khiếm khuyết. Những mâu thuẫn và hận thù, nỗi sợ hãi vẫn đang là mối đe dọa cho chất lượng sống, cho sự phát triển bền vững chung trên hành tinh của chúng ta. Gần 26 thế kỷ trước, đức Phật đã dạy rằng "Người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản nhiên, an vui tự tại thì người đó là một vị Phật trong tương lai". Đây là ý nghĩa hết sức sâu sắc, vi diệu của đạo Phật.

Phát biểu với chủ đề "Xóa đói giảm nghèo, mô hình đạo đức kinh tế gia đình", diễn giả G.A. Somaratne khẳng định: Vấn đề xóa đói, giảm nghèo và những giáo lý về nghiệp của Phật giáo có vai trò quan trọng trong sự thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung, kinh tế hộ gia đình nói riêng. Nghèo đói là nguyên nhân dẫn đến xung đột, sự giành giật, sự chiếm hữu và các tệ nạn xã hội khác. Muốn có hạnh phúc, con người phải cảm thấy hài lòng về vật chất, đạo đức và tinh thần, phù hợp với sự dung hòa của Phật giáo và hướng đến sự công bằng trong xã hội. Để làm được điều này, Chính phủ các quốc gia, người đứng đầu các vùng lãnh thổ trên thế giới - đại diện cho kinh tế xã hội - cần có những chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững.


Vũ Anh Minh