05:20 01/05/2013

Phạt đến 40 triệu nếu phạm luật về thuốc lá

Bắt đầu từ ngày 1/5/2013, Luật phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực với rất nhiều quy định như: Cấm quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại thuốc lá, cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhất là các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và các phương tiện giao thông...

Bắt đầu từ ngày 1/5/2013, Luật phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực với rất nhiều quy định như: Cấm quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại thuốc lá, cấm bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhất là các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và các phương tiện giao thông…


Vậy đâu là giải pháp để bộ luật này sớm đi vào cuộc sống?


Chú trọng môi trường không khói thuốc lá


Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, việc khuyến khích, giám sát các cơ quan tổ chức thực hiện môi trường không khói thuốc ở những nơi công cộng như: trường học, công sở, bệnh viện, nhà hàng, bến xe, nhà ga… là một trong những vấn đề cơ bản nhất của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL).


Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá đang thực hiện không hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.


Tuy nhiên, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc lá, nhất là tại các cơ quan, đơn vị là không hề dễ dàng; thực tế, Việt Nam đã triển khai những mô hình này ở nhiều nơi và trong nhiều năm qua song tới nay vẫn dừng ở mức “thí điểm”.


Bán thuốc lá gần trường học dự kiến sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng


Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết:Lãnh đạo nhiều cơ quan, tổ chức chưa quan tâm thực hiện quy định này; ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc của cán bộ công chức và người dân còn hạn chế. Trước đây, lực lượng được phép xử phạt còn quá mỏng, chủ yếu là thanh tra y tế và cán bộ của UBND các cấp; mức xử phạt còn thấp (50.000 – 100.000 đồng). Tuy nhiên, với những quy định mới của Luật PCTHTL thì việc thực thi môi trường không khói thuốc lá tới đây chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao hơn”.

Theo ông Khuê, điều rất quan trọng là Luật PCTHTL đã mở rộng thẩm quyền xử lý vi phạm các hành vi vi phạm. Hiện nay, lãnh đạo UBND, nhất là UBND xã và những người đứng đầu cơ quan, tổ chức là những người có trách nhiệm chính trong việc triển khai các hoạt động PCTHTL tại từng địa phương, từng đơn vị. Theo đó, những người lãnh đạo trực tiếp có trách nhiệm đưa quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ và vào kế hoạch hoạt động hằng năm của đơn vị. 


Đặc biệt, sau khi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về y tế được phê duyệt, những người lãnh đạo các đơn vị cũng sẽ bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng nếu: Không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá, không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình, không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành…


Ngoài ra, tới đây những người cố tình hút thuốc lá ở nơi công cộng hoặc bỏ tàn, mẩu thuốc là không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá ở những nơi được phép hút, cũng sẽ phải chịu mức phạt từ 200.000 - 500.000 đồng.


Giám sát chặt những quảng cáo trá hình

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá của Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam: 


“Cần kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm”. Kinh nghiệm triển khai Luật PCTHTL tại nhiều quốc gia cho thấy, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì còn cần làm tốt công tác giám sát, xử phạt những hành vi vi phạm. Theo tôi, vấn đề thách thức lớn nhất trong quá trình thực thi Luật PCTHTL là thực hiện quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc. Bởi lẽ, nhiều lãnh đạo các đơn vị còn hút thuốc lá, chưa quan tâm tới việc thực thi các quy định PCTHTL, trong khi đó việc bố trí địa điểm hút ngoài khuôn viên nơi làm việc còn nhiều khó khăn…


Theo quy định của Luật PCTHTL, từ hôm nay, người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; không được bán thuốc lá ngay sát cổng trường học (nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học), viện nghiên cứu y học, cơ sở y tế… Đặc biệt, các đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Mức xử phạt những hành vi vi phạm này dự kiến từ 200.000 – 10.000.000 đồng.


Luật PCTHTL nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo, tiếp thị thuốc lá.


Tuy nhiên, thực tế việc bán thuốc lá ở cổng các trường học còn rất phổ biến. ‘‘Điều tra thực trạng vi phạm quảng cáo, khuyến mại tại điểm bán lẻ’’ trên 1.500 điếm bán thuốc lá tại 10 tỉnh, thành phố trong thời gian từ tháng 12/2009 đến tháng 3/2013 cho thấy các hoạt động quảng cáo và khuyến mại thuốc lá vẫn phổ biến và có xu hướng tăng tại các điểm bán thuốc lá. Cụ thể, hơn 90% điểm bán trưng bày quá một bao/một tút của một nhãn hiệu thuốc lá; tỷ lệ điểm bán vi phạm đồng thời quy định cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá tăng từ 29,4% năm 2009 lên 35,8% vào năm 2011; tỷ lệ điểm bán kinh doanh thuốc lá gói nhỏ hơn 20 điếu tăng từ 20% lên 33%… Nhiều công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá cố tình “lách luật” bằng cách PR thương hiệu thông qua các hoạt động tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ lũ lụt, hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá và cấp học bổng cho học sinh nghèo...

Bà Trần Thị Trang, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:

“Một số quy định trong Luật PCTHTL sẽ được “gia hạn”. Trong thời gian này chưa “siết” ngay việc thực thi quy định không được bán thuốc lá trong vòng 100m tính từ cổng trường học, viện nghiên cứu y học, cơ sở y tế…

Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân không bán hoặc thay đổi địa điểm bán thuốc lá, sau đó mới triển khai việc giám sát, xử phạt hành vi vi phạm.

Ngoài ra, trong giai đoạn này trên thị trường có thể sẽ lưu hành hai loại thuốc lá, đó là loại chưa in và loại đã in cảnh báo sức khỏe chiếm 50% diện tích bao bì ở mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá.


“Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng các hoạt động quảng cáo, quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá làm tăng mức tiêu thụ và sử dụng thuốc lá, đặc biệt là lôi kéo thanh niên vào việc hút thuốc lá mạnh mẽ hơn. Do đó, cần giám sát chặt các hình thức quảng cáo, khuyến mại thuốc lá trá hình. Nhưng trước hết, cần phải tăng cường công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức về Luật cho cộng đồng”, Ths Lê Thị Thanh Hương, cán bộ trường ĐH Y tế công cộng, nhấn mạnh.Theo Ths Hương, hiện nay, ngay nhiều cán bộ lãnh đạo, thậm chí các thanh tra viên liên quan đến công tác PCTHTL cũng chưa hiểu rõ nội dung của Luật PCTHTL. 


“Điều tra của chúng tôi cũng cho thấy, phần lớn chủ cửa hàng bán lẻ chưa biết đến sự hiện hữu của Luật PCTHTL. Còn trong một cuộc thảo luận, một thanh tra viên đã cho biết:“Nói thật với chị, sáng nay Sếp bảo thì chúng tôi mới in Luật PCTHTL ra để xem nội dung là gì; nhưng xem vội nên cũng chưa nhớ được hết, chị thông cảm nhé”, Ths Hương kể lại.


Để Luật PCTHTL sớm đi vào cuộc sống, ông Lương Ngọc Khuê, cho biết: “Chương trình PCTHTL quốc gia đã và đang gấp rút triển khai rất nhiều hoạt động truyền thông, phổ biến Luật PCTHTL tới cộng động. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản để trình Chính phủ ban hành như: Quyết định thành lập Quỹ PCTHTL, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về y tế (trong đó có PCTHTL, Dự thảo thông tư về cơ chế quản lý quỹ PCTHTL… Đặc biệt, Chương trình sẽ thành lập các đoàn thanh tra liên bộ giám sát địa điểm công cộng, những nơi không được phép hút thuốc lá, cũng như giám sát các điểm bán lẻ thuốc lá…”.



Phương Liên