09:15 26/09/2016

Pháp “xóa sổ” đồ nhựa dùng 1 lần

Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm các sản phẩm đồ nhựa dùng 1 lần để chứa thực phẩm.

Đồ nhựa dùng 1 lần sẽ bị cấm ở Pháp từ năm 2020.

Cứ mỗi năm có đến 4,73 tỷ cốc đĩa nhựa dùng 1 lần bị vất đi ở Pháp, tương đương với con số 150 chiếc cốc nhựa bị ném vào thùng rác mỗi giây. Song đáng ngạc nhiên khi chỉ có 1% trong số đó, chủ yếu là loại được làm từ hỗn hợp polypropylene và polystyrene, được đưa về các nhà máy tái chế.

Trước mối hiểm nguy đến từ những đồ nhựa sử dụng 1 lần, Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm các sản phẩm này để chứa thực phẩm.

Theo luật cấm, người dân và các nhà sản xuất tại Pháp sẽ không được sử dụng cốc giấy nhựa dùng 1 lần, mà thay vào đó là phải dùng dụng cụ chứa đồ ăn thức uống được làm từ vật liệu có 50% nguồn gốc sinh học có thể tự phân hủy, bắt đầu từ tháng 1/2020. Tiếp đó, số hàm lượng sinh học trong vật liệu sẽ tiếp tục tăng lên mức 60% trong tháng 1/2025.

Theo như cơ quan lập pháp, luật này có hiệu lực bắt đầu từ 2020 nhằm mục đích để cho các nhà sản xuất có thời gian điều chỉnh thay đổi công nghệ đóng gói bao bì từ vật liệu sinh học.

Luật mới này là “đề xuất” của Ségolène Royal – Bộ trưởng Môi trường Pháp, một phần trong chiến dịch “Quá trình Chuyển đổi sang Tăng trưởng Xanh” tìm kiếm giải pháp cắt giảm lượng rác thải trong nước và khí thải nhà kính 40% cho tới năm 2030.

Bên cạnh mục đích góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lệnh cấm này cũng được nhiều người hết lòng ủng hộ khi xem xét về yếu tố sức khỏe người tiêu dùng. Theo Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia của Mỹ - một nhóm bao gồm 10 chuyên gia khoa học – công bố kết quả nghiên cứu Chương trình Kiểm nghiêm Độc hại Quốc gia vào năm 2014, kết luận hoạt chất styrene có chứa trong các đồ hộp, cốc, đĩa làm từ nhựa “có thể là chất gây ung thư cho cơ thể người”. Theo các nhà khoa học, styrene ở điều kiện nhiệt độ bình thường trong nhựa thể rắn sẽ an toàn với con người, nhưng một số bằng chứng cho thấy nếu như cốc hay đĩa nhựa có chứa styrene dùng đựng thức ăn, đồ uống nóng như cà phê, trà..., hoạt chất styrene có thể được giải phóng khỏi bề mặt nhựa và xâm nhập vào cơ thể người.

Trước đó, Pháp cũng đã áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nilon trong hoạt động mua sắm từ hồi tháng 7, sau khi học tập từ nhiều nước, điển hình là Bangladesh, Nam Phi, Kenya, Trung Quốc, Mexico và một số bang nước Mỹ... Tại một số nước này, cụ thể là ở Anh hay Ireland, nếu như phát hiện sử dụng núi nilon đựng đồ thì khách hàng phải trả một khoản tiền phạt nhỏ, khoảng 0,19 USD.

Tuy nhiên, luật cấm mới này cũng vấp phải sự phản đối từ một bộ phận. Hiệp hội công nghiệp Pack2GoEurope – tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất đóng gói bao bì thực phẩm châu Âu công kích luật của Pháp vi phạm phong trào tự do thương mại hàng hóa của châu Âu. Tổ chức trên đã yêu cầu Ủy ban EU làm điều đúng đắn cũng như đang tìm tư vấn từ phía luật sư để có hành động pháp lí chống lại vi phạm của Pháp.

Ông Eamonn Bates – Tổng Thư ký của Pack2GoEurope kịch liệt phản đối: “Tìm một loại bao bì hay hộp đóng gói vừa phải đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm mà người tiêu dùng muốn, vừa tự phân hủy được, thì cho đến nay chất đó không tồn tại. Thành viên của hiệp hội không phải là phản đối việc sử dụng nhựa sinh học, nhưng các nhà khoa học cũng chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy loại nhựa sinh học mới thân thiện hơn với môi trường”. Trong khi đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng chi phí sản xuất sẽ tốn hơn nhiều nếu như dùng đồ đóng gói bằng vật liệu nguồn gốc sinh học.

Bộ Môi trường Pháp chưa có trả lời với tuyên bố của Pack2Go nhưng khả năng cao lệnh cấm sẽ vẫn có hiệu lực vào đúng thời điểm. Thông tin luật mới được đưa ra trong trong bối cảnh các nhà khoa học đưa ra dự đoán tới năm 2050 số lượng các sản phẩm nhựa trôi nổi trên đại dương còn nhiều hơn cá.

Hồng Hạnh