07:11 10/07/2025

Pháp vạch 'lằn ranh đỏ' trong xung đột Ukraine, thách thức yêu cầu của Nga

Ukraine không thể vừa bị phi quân sự hóa vừa từ bỏ tư cách thành viên NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Paris, Pháp, ngày 26/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Việc phi quân sự hóa Ukraine và không cho phép nước này gia nhập NATO – như Nga yêu cầu – là một "lằn ranh đỏ" đối với châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu phát biểu với tuần san Valeurs Actuelles.

Theo đài RT, trước đó, Moskva khẳng định bất kỳ giải pháp nào cho xung đột đều phải giải quyết toàn diện các mối quan ngại về an ninh của Nga. Các quan chức Nga muốn Ukraine thừa nhận những thực tế lãnh thổ mới trên thực địa, chấp nhận quy chế trung lập, đảm bảo không phân biệt đối xử với người nói tiếng Nga, đồng thời thực hiện phi quân sự hóa và "phi phát xít hóa". Cho đến nay, Kiev đã bác bỏ toàn bộ các yêu cầu này.

Trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 9/7, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lecornu lập luận rằng châu Âu không thể để Ukraine vừa không có quân đội đủ chức năng, vừa không được gia nhập NATO.

“Lằn ranh đỏ tuyệt đối của chúng tôi là việc giải giáp Ukraine”, ông nói. “Chúng ta phải nhất quán. Không thể vừa từ chối cho Ukraine gia nhập NATO, lại vừa chấp nhận rằng nước này không còn quân đội”, ông Lecornu nhấn mạnh.

Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO theo cơ chế nhanh vào tháng 9/2022 – chỉ vài tháng sau khi xung đột với Nga leo thang. Dù ban đầu các nước phương Tây ủng hộ nỗ lực này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thời điểm cụ thể nào cho việc kết nạp.

Trong khi đó, sự ủng hộ đối với nguyện vọng của Kiev đang dần phai nhạt do những thất bại quân sự liên tiếp và chính sách của Mỹ thay đổi.

Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Robert Storch, đã báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái rằng “nạn tham nhũng tiếp tục gây trở ngại” cho nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, dẫn chứng nhiều bê bối trong Bộ Quốc phòng nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình với Moskva, cũng đã bác bỏ khả năng Kiev được gia nhập NATO. Ông Trump nhiều lần công khai bác bỏ khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO, coi đây là một trong những nguyên nhân chính khiến xung đột với Nga bùng phát.

Trong các phát biểu từ đầu năm 2025 đến nay, ông Trump nhấn mạnh rằng Kiev nên “quên đi” giấc mơ trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Trong các cuộc gặp với lãnh đạo châu Âu, ông Trump cũng lập luận rằng chính sách đối ngoại hiện tại của phương Tây đang đẩy Ukraine vào thế nguy hiểm và rằng giải pháp lâu dài phải dựa trên việc giữ Kiev ở thế trung lập, thay vì gắn chặt với NATO.

Nga coi việc NATO mở rộng sang phía Đông là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia và nhấn mạnh rằng khát vọng gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu của Ukraine chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột hiện nay. Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng trước cũng tuyên bố rằng những quan ngại của Moskva liên tục bị phương Tây phớt lờ.

Ông Putin cho biết Ukraine từng đồng ý với các giới hạn quân sự trong vòng đàm phán Istanbul năm 2022 – bao gồm số lượng binh sĩ và hạn chế vũ khí – nhưng sau đó lại rút khỏi thỏa thuận để theo đuổi chiến thắng quân sự với sự hậu thuẫn của phương Tây. Ông nói thêm rằng thay vì giải quyết xung đột một cách hòa bình, Moskva giờ buộc phải hiện thực hóa mục tiêu “phi quân sự hóa Ukraine” bằng biện pháp quân sự.

Phát biểu trước cuộc họp trong tuần này của “liên minh thiện chí” – một sáng kiến của Anh và Pháp nhằm triển khai quân ở Ukraine sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga – Bộ trưởng Lecornu cho biết nhóm này sẽ kêu gọi Kiev “xem xét lại” mô hình tương lai của quân đội mình, đồng thời nhấn mạnh các “cơ hội” cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp.

Moskva cáo buộc phương Tây đang xúi giục Kiev chiến đấu “đến người Ukraine cuối cùng” và cho rằng không một lượng viện trợ nào có thể đảo ngược cục diện trên chiến trường. Nga cũng nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ lực lượng nước ngoài nào chiến đấu cùng quân đội Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp, và điều đó có thể khiến xung đột leo thang nghiêm trọng.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc